Thị trường bất động sản tại Mỹ có dấu hiệu “ấm lại”
Các dữ liệu mới nhất cho thấy thị trường bất động sản tại Mỹ đã xuất hiện dấu hiệu hồi phục đầu tiên. Cụ thể, số nhà tư nhân được khởi công xây dựng theo tháng ở Mỹ có khả năng tạo đáy ở vùng 1,34 triệu căn/tháng. Trong khi đó, số nhà được khởi công xây dựng gần nhất trong tháng 6/2023 hồi phục lên mức 1,452 triệu căn, tăng 4% so với tháng 5/2023 và tăng 8% so với mức đáy hồi tháng 12/2022.
Đồng thời, lãi suất cho vay thế chấp tại Mỹ đang tăng mạnh lên mức tương đương năm 2001. Lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện tương đương mức đỉnh giai đoạn 2006-2007. Dữ liệu lịch sử cho thấy, sau khi chênh lệch giữa lãi suất cho vay thế chấp và lãi suất Fed tạo đáy thì cả hai lãi suất trên cũng tạo đỉnh và giảm dần.
Doanh số bán nhà ở Mỹ trong tháng 7/2023 đạt 4,07 triệu căn, giảm 2% so với tháng 6/2023, xuống thấp hơn cả trong giai đoạn đầu đại dịch COVID-19 và đang có dấu hiệu tạo đáy ở mức này. Lãi suất giảm được kỳ vọng sẽ giúp doanh số bán nhà tại Mỹ hồi phục như những lần trước đây.
Đáng chú ý, giá trung bình nhà mới tại Mỹ cũng có dấu hiệu tạo đáy ở mức khoảng 500.000 USD/căn. Giá cũng vừa tăng nhẹ từ mức đáy 491.200 USD/căn hồi tháng 5/2023, cho thấy nhu cầu của người mua nhà vẫn duy trì tốt.
Những tín hiệu này được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng phục hồi rõ rệt đối với hoạt động xuất khẩu đồ gỗ nội thất và sản phẩm xi măng, bê tông, đá nhân tạo của Việt Nam. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, thị trường Mỹ chiếm 57% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ (chủ yếu là gỗ nội thất) và chiếm 68% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm xi măng, bê tông, đá nhân tạo của Việt Nam.
Hoạt động xuất khẩu hai nhóm ngành hàng trên của Việt Nam còn đang được hỗ trợ từ yếu tố tỷ giá khi tỷ giá USD/VNĐ đang tăng trở lại trong thời gian gần đây. Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, với tình hình vĩ mô hiện tại, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ chọn cách giữ xu hướng lãi suất thấp, cố gắng giảm lãi suất cho vay, ít can thiệp đến tỷ giá nếu không có biến động quá mạnh.
Bên cạnh đó, giữ tỷ giá USD/VNĐ như hiện tại cũng có lợi hơn trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đang liên tục mất giá giúp hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn một cách đáng kể. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ “hưởng lợi kép” từ việc giảm chi phí đầu vào khi chi phí nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc giảm xuống và giá xuất khẩu sản phẩm trở nên cạnh tranh hơn, kích thích doanh số tăng lên.
Doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi?
Trong bối cảnh thị trường chung kém thuận lợi, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp gỗ và vật liệu xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn vừa qua đã sụt giảm mạnh, và được kỳ vọng tạo đáy trong quý 2/2023, tiến tới dần phục hồi trong thời gian tới.
Theo đánh giá của hãng chứng khoán Yuanta Securities Vietnam (YSVN), trong số các doanh nghiệp niêm yết thì Công ty Cổ phần Phú Tài (mã cổ phiếu PTB - sàn HoSE) và Công ty Cổ phần Vicostone (mã cổ phiếu VCS - sàn HNX) có thể hưởng lợi nhiều nhất khi thị trường bất động sản tại Mỹ “ấm lại”.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Phú Tài đang có 03 mảng kinh doanh chính là: gỗ, đá nhân tạo, và phân phối xe ô tô thương hiệu Toyota. Trong đó, mảng gỗ và đá nhân tạo đóng góp chính trong việc tạo ra doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp này. Tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của mảng gỗ lần lượt là 51% và 57%; tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của mảng đá nhân tạo lần lượt là 30% và 27%.
Triển vọng tích cực về thị trường bất động sản tại Mỹ sẽ giúp mảng gỗ và đá thạch anh xuất khẩu của Phú Tài có khả năng quay lại đà tích cực. Kể từ quý 1/2023, doanh nghiệp này đã mở rộng mạng lưới khách hàng cho các sản phẩm đá thạch anh tại thị trường Mỹ và ghi nhận doanh thu tăng trưởng tích cực.
Bên cạnh đó, Nhà máy sản xuất đá thạch anh giai đoạn 2 của Phú Tài đi vào hoạt động từ tháng 6/2023, nâng tổng công suất tăng thêm 40%, lên mức 630.000 m2/năm.
Đối với Công ty Cổ phần Vicostone, đây là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đá nhân tạo gốc thạch anh hàng đầu Việt Nam hiện nay. Thị trường Mỹ chiếm đến 70% doanh thu xuất khẩu của Vicostone. Triển vọng từ thị trường bất động sản tại Mỹ tích cực sẽ khiến mảng đá thạch anh, gạch ốp lát của Vicostone tăng trưởng trở lại.
Hiện công suất hoạt động của Vicostone chỉ ở mức 50% do nhu cầu sụt giảm mạnh từ thị trường Mỹ và gia tăng cạnh tranh với các nhà sản xuất khác đến từ Trung Quốc.
Vừa qua, Vicostone đã nhận chuyển nhượng nhà máy nhựa Polyester từ tập đoàn Phenikaa, giúp doanh nghiệp này nâng cao tỷ lệ tự chủ về nguyên nguyên vật liệu sản xuất, từ đó cải thiện biên lợi nhuận. Ngoài ra, Vicostone đang tiếp tục thực hiện dự án nâng cao năng lực sản xuất và đầu tư vào chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các điều kiện của đối tác mua hàng, tạo tiềm năng tăng trưởng trong trung dài hạn.