Kết thúc quý 3/2023, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần 3.150 tỷ đồng và lãi ròng 74 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi công bố kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, thị giá cổ phiếu DCM của đã chiết khấu tới hơn 27% so với mức giá cao nhất trong quý 3/2023.
Tuy nhiên, bóc tách dữ liệu kinh doanh quý 3/2023 của Đạm Cà Mau cho thấy lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón này sụt giảm là do một số lô hàng xuất khẩu giá thấp, ở mức 7.772 đồng/kg - thấp hơn 8,8% so với quý 2/2023 và thấp hơn 9,6% so với giá bán tại thị trường trong nước; trong khi đó, sản lượng xuất khẩu chiếm tới 40% tổng sản lượng tiêu thụ trong quý 3/2023.
Theo Vietcombank Securities (VCBS), các đơn hàng xuất khẩu trong quý 3/2023 của Đạm Cà Mau chủ yếu được ký kết trước tháng 7/2023 nên không được hưởng lợi từ việc giá phân ure trên thế giới tăng mạnh từ giữa tháng 7. Bên cạnh đó, quý 3 thường là mùa thấp điểm tiêu thụ phân ure tại thị trường trong nước.
VCBS hiện nhận định nhu cầu tiêu thụ sẽ phục hồi trong quý 4/2023 nên kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau sẽ khả quan hơn. Với giả định giá ure trung bình cả năm nay ở mức 430 USD/tấn và giá dầu thô Brent trung bình đạt 84 USD/thùng, lãi ròng cả năm nay của Đạm Cà Mau có thể đạt 1.235 tỷ đồng, giảm 71% so với mức nền cao kỷ lục của năm 2022.
Tuy nhiên, VCBS dự báo lãi ròng của Đạm Cà Mau trong năm 2024 sẽ bật tăng hơn 64%, đạt 2.027 tỷ đồng nhờ loạt yếu tố hỗ trợ. Cụ thể:
Thứ nhất, Nhà máy Ure đã hết khấu hao kể từ cuối tháng 9/2023 và sẽ không còn phải tính khấu hao kể từ quý 4/2023. Chi phí khấu hao máy móc thiết bị trên doanh thu của Đạm Cà Mau sẽ giảm từ mức 7% trong năm 2023 về gần 1% trong giai đoạn 2024-2029 (chủ yếu còn lại là chi phí khấu hao Nhà máy NPK).
VCBS ước tính chi phí khấu hao của Đạm Cà Mau sẽ giảm tới 900 tỷ đồng trong năm 2024. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và mở rộng biên lợi nhuận gộp, giúp thúc đẩy đáng kể lợi nhuận kể từ năm 2024.
Thứ hai, tỷ lệ khí mà Đạm Cà Mau phải nhập khẩu từ tập đoàn Petronas (Malaysia) trong năm 2024 dự báo giảm so với năm 2023. Giá khí nhập khẩu hiện đang được tính theo mức 12,7% giá dầu thô Brent (đến hết năm 2026); trong khi đó, giá khí lấy từ các mỏ trong nước sẽ bằng 46% giá dầu HFSO.
Do giá khí nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào giá dầu thô Brent nên việc giảm tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu sẽ giúp giảm chi phí sản xuất cho Đạm Cà Mau.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, sau khi xung đột giữa Israel - nhóm Hamas diễn ra, giá dầu thô Brent đã không tăng mạnh như thời điểm xung đột giữa Nga - Ukraine diễn ra. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực đối với chi phí giá khí đầu vào và hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của Đạm Cà Mau.
VCBS cũng cho biết, mặc dù giá dầu trong năm 2024 được dự báo tăng 3% so với năm 2023 nhưng khả năng hiện tượng El Nino sẽ tạo đỉnh trong tháng 11/2023, sau đó đi vào pha trung tính từ nửa đầu năm 2024, giúp giảm việc huy động điện khí trong nước. Do đó, nguồn khí trong nước dành cho Đạm Cà Mau sẽ tăng lên khi nhu cầu tiêu thụ khí của Nhà máy Điện Cà Mau 1 & 2 giảm.
Giá khí đầu vào đang được Đạm Cà Mau tạm trích dựa trên tỷ lệ mua từ quyền nhận của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và mua ngoài từ Petronas là 50/50. Nếu lượng khí thực tế mua từ Petronas thấp hơn 50%, Đạm Cà Mau sẽ có thể hoàn nhập một phần chi phí khí đầu vào, qua đó hỗ trợ phục hồi lợi nhuận trong quý cuối năm 2023.
Thứ ba, nguồn cung phân ure toàn cầu dự kiến sẽ bị hạn chế trong năm 2023 khi Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure; Nga tiếp tục gia hạn hạn ngạch xuất; và sản xuất ure tại Liên minh châu Âu dự kiến vẫn sẽ ở mức thấp.
Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ nội địa được kỳ vọng tăng vào quý 4/2023 và quý 1/2024 khi thị trường bước vào vụ Đông Xuân.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 2/11, thị giá cổ phiếu DCM đạt 29.850 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 24% so với thời điểm đầu năm nay.