Kết thúc quý 3 vừa qua, Công ty Cổ phần Hoá chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần 2.463 tỷ đồng, giảm hơn 33% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán có tốc độ giảm thấp hơn do đó lợi nhuận gộp của doanh nghiệp hoá chất này giảm tới 49%, còn gần 840 tỷ đồng.
Kết quả, Hoá chất Đức Giang ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ở mức 761 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận tổng doanh thu 7.360 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.504 tỷ đồng, lần lượt giảm 35% và giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, Hoá chất Đức Giang đã hoàn thành 83,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Ban lãnh đạo Hoá chất Đức Giang cho biết kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh do doanh thu trong 9 tháng đầu năm nay từ Phốt pho vàng và Axit Photphoric đã giảm 39%; doanh thu từ Axit Photphoric trích ly (WPA) giảm 38%; và doanh thu từ phân bón các loại giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, chi phí nguyên liệu đầu vào (như quặng apatit, than, điện năng…) lại có sự biến động khiến giá vốn hàng bán chỉ giảm 19,8%.
Theo đánh giá mới nhất của hãng chứng khoán Vietcap, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của Hóa chất Đức Giang trong quý 4/2023 có thể đạt 972 tỷ đồng, tăng mạnh 21% so với quý 3/2023 trong bối cảnh giá phốt pho công nghiệp (IPC) kỳ vọng tăng trở lại khi nhu cầu chất bán dẫn phục hồi và Trung Quốc đang bước vào mùa khô, dẫn đến chi phí điện để sản xuất IPC tại đây tăng lên.
Cụ thể, đối với sản lượng IPC, Hoá chất Đức Giang đã đưa vào vận hành nhà máy mới thuộc Công ty TNHH MTV Phốt pho 6, giúp nâng tổng công suất phốt pho thêm 16%, đạt 70.000 tấn/năm nhằm đáp ứng nhu cầu đang dần phục hồi từ tất cả các thị trường chính.
Dữ liệu cho thấy, trong quý 3/2023, doanh số IPC của Hoá chất Đức Giang đã tăng 17% so với quý 2/2023 và hiệu suất hoạt động đã đạt mức tối đa. Doanh nghiệp này đã nhận được nhiều hơn hàng hơn từ các khách hàng khu vực Đông Á sau nửa đầu năm 2023 kém khả quan.
Doanh thu trung bình 3 tháng của tập đoàn sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) đã phục hồi trong 6 tháng liên tiếp, cho thấy nhu cầu trên toàn cầu đang phục hồi tích cực, mở ra triển vọng cho nhu cầu IPC.
Đáng chú ý, doanh thu xuất khẩu IPC sang Mỹ của Hoá chất Đức Giang trong quý 3/2023 cũng tăng vọt khi các đối tác tại đây nỗ lực đa dạng hoá nguồn cung. Một số nhà máy sản xuất pin xe điện (EV) đang được xây dựng tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã thể hiện sự quan tâm đến việc mua sản phẩm phốt pho từ Hoá chất Đức Giang.
Theo đánh giá gần nhất của Cơ quan Thống kê Thương mại Chất bán dẫn Thế giới (WSTS), doanh số chip toàn cầu sẽ tăng trở lại trong năm 2024 với mức tăng 12% so với năm 2023.
Đối với giá IPC, theo ước tính của Vietcap, giá bán trung bình IPC trong quý 3/2023 của Hoá chất Đức Giang đã giảm 13% so với quý 2/2023, còn 4.000 USD/tấn. Tuy nhiên, Trung Quốc đang bước vào mùa khô, sản lượng thuỷ điện sụt giảm và giá điện tăng, khiến giá IPC tại đây tăng lên.
Điều này sẽ giúp giá IPC đi ngang trong quý 4/2023 (4.000 USD/tấn), trước khi phục hồi lên mức 4.500 USD/tấn trong nửa đầu năm 2024 nhờ nhu cầu tăng và chi phí cao hơn đối với các nhà sản xuất tại Trung Quốc. Ban lãnh đạo Hoá chất Đức Giang hiện kỳ vọng giá IPC sẽ phục hồi trở lại trong quý 1/2024.
Vietcap hiện dự báo lợi nhuận sau thuế cả năm nay của Hoá chất Đức Giang có thể đạt 3.521 tỷ đồng, giảm 41% so với năm 2022 nhưng vượt 17% so với mục tiêu 3.000 tỷ được doanh nghiệp này đề ra hồi đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 2/11, thị giá cổ phiếu DGC đạt 85.800 đồng/cổ phiếu, tăng gần 50% so với thời điểm đầu năm.