Kỳ vọng dự án Lô B - Ô Môn sẽ được nhận FID trong vòng 06 tháng tới
Ngày 30/10/2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đối tác nước ngoài đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận khung (HOA) để khởi công đại dự án khí-điện Lô B - Ô Môn với mục tiêu khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2027.
Chuỗi dự án khí-điện Lô B - Ô Môn là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn 1, 2, 3, và 4 ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư gần 12 tỉ USD.
Sản lượng khai thác khí từ dự án này dự kiến khoảng 5,06 tỉ m3 khí/năm trong thời gian 23 năm (dự kiến khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2026) và cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW.
Các chủ đầu tư chính của dự án bao gồm: PVN (thượng nguồn và các nhà máy điện Ô Môn 3 và 4 vừa được chuyển giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam); Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, tập đoàn năng lượng Thái Lan PTTEP, tập đoàn năng lượng Nhật Bản Mitsui Oil Exploration MOECO (thượng nguồn); Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã cổ phiếu GAS) (trung nguồn); tập đoàn Nhật Bản Marubeni (Nhà máy điện Ô Môn 2); và Tổng công ty Phát điện 2 (GENCO 2) (Nhà máy điện Ô Môn 1).
Tại buổi lễ, PVN và các đối tác đã tiến hành ký kết các văn bản quan trọng gồm thỏa thuận khung Lô B; biên bản thống nhất nội dung hợp đồng bán khí Ô Môn I; trao thầu với các điều khoản giới hạn với hợp đồng Thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở (EPCI#1) cho liên doanh xây dựng McDermott (Mỹ) - Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS). Đây là loạt động thái tạo tiền đề để PVN và các đối tác tiếp tục triển khai các dự án thành phần trong thời gian tới.
Theo đánh giá mới nhất của SSI Research, mặc dù thông tin về HOA chưa được công bố chi tiết và đại dự án khí-điện Lô B - Ô Môn có thể vẫn phải đối mặt với một số trở ngại khác nhau nhưng sự kiện này là một bước “nhảy vọt”, thể hiện ý chí và cam kết mạnh mẽ của các bên liên quan đến dự án.
Trong khi đó, hãng chứng khoán Vietcap nhận định, sự kiện trên cho thấy những trở ngại mấu chốt của dự án Lô B - Ô Môn, gồm giá khí, hợp đồng mua bán điện (PPA), hợp đồng bán khía (GSA), hợp đồng mua bán khí (GSPA) và hợp đồng vận chuyển khí (GTA) với sản lượng hợp đồng đã có những tiến triển đáng kể.
Qua đó, củng cố kỳ vọng dự án Lô B - Ô Môn dự kiến sẽ được nhận quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào cuối năm 2023 hoặc nửa đầu năm 2024, giúp đảm bảo thực hiện mục tiêu khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2026 hoặc 2027 - sớm hơn đến 01 - 02 năm so với dự báo trước đây của một số tổ chức tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới được dự báo ở mức cao.
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có thể sớm được nhận thêm gói thầu nữa
Việc chính thức triển khai dự án Lô B - Ô Môn được kỳ vọng sẽ mang lại động lực tăng trưởng lớn cho loạt doanh nghiệp dầu khí Việt Nam trong những năm tới đây. Trong đó, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp được hưởng lợi đầu tiên.
Cụ thể, với việc được trao thầu với các điều khoản giới hạn của gói thầu EPCI#1 trị giá gần 1,1 tỷ USD, liên doanh McDermott - Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được phép thực hiện một số công việc chuẩn bị sớm cho hợp đồng EPC mặc dù chưa có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) đối với cả dự án Lô B - Ô Môn. Giá trị phần việc được thực hiện sẽ tương đối nhỏ cho đến khi cả dự án nhận được FID.
Động thái này nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ của gói thầu trong trường hợp nhà đầu tư đạt FID muộn hơn dự kiến. Trong trường hợp không đạt được FID, chi phí cho công việc ban đầu này sẽ do các nhà đầu tư chịu.
Theo SSI Research, mặc dù giá trị của công việc ban đầu sẽ tương đối nhỏ nhỏ và không có ý nghĩa lớn về mặt tài chính so với quy mô của tổng thể dự án. Điểm mấu chốt của diễn biến này là tâm lý tích cực đối với dự án này, khi các bên thể hiện ý chí mạnh mẽ để thúc đẩy dự án, bao gồm PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Chính phủ Việt Nam.
SSI Research nhận định Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ bắt đầu xây dựng gói EPCI#1 từ giữa năm 2024. Điều này sẽ thúc đẩy cả doanh thu và lợi nhuận mảng EPC của doanh nghiệp này. Tổng giá trị EPC của dự án Lô B hiện được SSI Research giả định ở mức 700 triệu USD và sẽ được Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ghi nhận trong khoảng thời gian 2024-2026.
Theo hãng chứng khoán Vietcap, EPCI#1 là 1 trong tổng số 6 hợp đồng mà Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có khả năng nhận được từ việc triển khai chuỗi dự án Lô B - Ô Môn. Ước tính, chuỗi dự án này sẽ đóng góp tổng doanh thu là 5,8 tỷ USD và tổng lợi nhuận tối thiểu là 330 triệu USD cho PVS trong giai đoạn 2024-2050 từ hợp đồng của mảng cơ khí & xây dựng (M&C) và hợp đồng cho thuê kho nổi chứa dầu (FSO).
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 31/10, thị giá cổ phiếu PVS đạt 33.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 56% so với thời điểm đầu năm nay.