Lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 tăng gần 16%
Ngân hàng TMCP Quân đội (Ngân hàng Quân đội, mã cổ phiếu MBB - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.283 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng này ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ báo lãi 18.866 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, cho thấy đà tăng trưởng ổn định của Ngân hàng Quân đội trong bối cảnh ngành ngân hàng đối mặt nhiều thách thức.
Ngân hàng Quân đội ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng tích cực với tổng dư nợ toàn tập đoàn đạt gần 577.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng gần 14% so với năm 2022. Đây cũng là mức tăng trưởng cao hơn so với mức bình quân của toàn ngành ngân hàng hiện nay. Với hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp năm nay là 24,5%, Ngân hàng Quân đội hiện là một trong những ngân hàng được phân giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong ngành.
Bên cạnh đó, quy mô tiền gửi khách hàng của ngân hàng này cũng tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 479.733 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng này đã thu hút thêm gần 4 triệu khách hàng mới, nâng tệp khách hàng lên mức 25 triệu khách hàng và đặt mục tiêu cán mốc 30 triệu khách hàng trong năm 2024.
Biên lãi ròng (NIM) riêng của ngân hàng mẹ đã giảm nhẹ 0,08% so với năm 2022. Đại diện Ngân hàng Quân đội cho biết, biên lãi ròng giảm chủ yếu do ngân hàng đã tập trung giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Chuyển đổi số giúp tiết giảm đáng kể chi phí, mở rộng tệp khách hàng
Đại diện Ngân hàng Quân đội cũng chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, ngân hàng đã tập trung vào việc đảm bảo các chỉ số an toàn, tối ưu hiệu quả hoạt động cũng như quản trị chi phí. Ngoài việc nâng cao trải nghiệm sử dụng dịch vụ của khách hàng, quá trình số hóa đã và đang giúp Ngân hàng Quân đội giảm đáng kể chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý rủi ro tốt hơn theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Dữ liệu thực tế cho thấy, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) toàn tập đoàn đã được cải thiện đáng kể, giảm thêm 2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, tỷ lệ CIR của riêng ngân hàng mẹ giảm xuống còn 28,5%.
Quy mô giao dịch trên nền tảng số của Ngân hàng Quân đội hiện duy trì ở mức cao 96%, tương đương các ngân hàng top đầu châu Á; đồng thời, hơn 10 triệu tài khoản tại Việt Nam đang sử dụng ứng dụng của ngân hàng, theo Đại diện Ngân hàng Quân đội.
Tại diễn đàn do Forbes tổ chức mới đây, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quân đội cho biết, Ngân hàng Quân đội có khả năng bắt tay với hơn 200 đối tác qua mô hình mini-app, cung cấp trực tiếp dịch vụ cho 25 triệu khách hàng. Đây được đánh giá là mô hình hữu ích và thân thiện với cả người dùng lẫn các doanh nghiệp và đối tác công nghệ.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Quân đội sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động chuyển đổi số với mục tiêu các nền tảng số sẽ đóng góp khoảng 50% doanh thu cho ngân hàng trong vòng 4 năm nữa.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lợi nhuận trước thuế cả năm nay của Ngân hàng Quân đội có thể đạt 26.600 tỷ đồng, tăng 17% so với mức thực hiện của năm 2022.
Về chất lượng tài sản, VDSC nhận định Ngân hàng Quân đội vẫn kiểm soát được nợ xấu và nợ xấu hình thành trong ngưỡng mục tiêu của ngân hàng này (nợ xấu hợp nhất dưới 1,7%). Đáng chú ý, VDSC đánh giá dư nợ liên quan đến Tập đoàn Novaland (mã cổ phiếu NVL) và Trung Nam Group vẫn đang được đảm bảo trả nợ gốc và lãi đúng hạn, ít nhất cho đến quý 3/2024, thông qua việc Ngân hàng Quân đội quản lý dòng tiền kinh doanh các dự án của hai doanh nghiệp này.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 31/10, cổ phiếu MBB đạt 17.150 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 14% so với thời điểm đầu năm nay.