Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã cổ phiếu PVD - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu thuần đạt 1.381 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này tăng gấp 2,5 lần, đạt 296 tỷ đồng. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp cũng tăng mạnh từ 9,4% lên 21,4% trong quý 3/2023.
Đáng chú ý, PV Drilling ghi nhận khoản thu nhập đến từ thoả thuận thuận chấm dứt hợp đồng với khách hàng trị giá 70 tỷ đồng nên phần thu nhập khác trong quý 3/2023 lên đến hơn 79 tỷ đồng, so với mức 3,5 triệu đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh của PV Drilling đều tăng lên trong kỳ. Trong đó, chi phí tài chính tăng 53%, chi phí bán hàng tăng 35%, và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, PV Drilling báo lãi ròng quý 3/2023 đạt gần 133 tỷ đồng, so với mức lỗ gần 52 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này ghi nhận tổng doanh thu thuần 4.033 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lãi ròng lên đến gần 344 tỷ đồng, so với mức lỗ hơn 201 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022.
So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, PV Drilling đã thực hiện được 75% mục tiêu doanh thu và 343% mục tiêu lãi ròng cả năm nay chỉ sau 9 tháng đầu năm. Trong bối cảnh nhu cầu thuê giàn khoan trên toàn cầu “bùng nổ” nhờ giá dầu thô neo cao, toàn bộ 06 giàn khoan của PV Drilling đều có việc làm xuyên suốt năm nay.
Theo chia sẻ của đại diện PV Drilling, trong 9 tháng đầu năm nay, hiệu suất sử dụng giàn khoan đạt 3,9 giàn, tăng 0,6 giàn so với cùng kỳ năm ngoái; đồng thời đơn giá cho thuê giàn cũng tăng 36% so với cùng kỳ.
Trong báo cáo cập nhật gần đây của hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC), mức lãi ròng cả năm nay của PV Drilling có thể lên đến 460 tỷ đồng, cap hơn gấp 4 lần so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm.
Về triển vọng kinh doanh năm 2024, nhiều tổ chức tài chính đánh giá hiệu suất hoạt động lẫn giá thuê các giàn khoan của PV Drilling có thể sẽ ở mức cao hơn so với năm 2023 trong bối cảnh giá dầu thô neo cao, khiến hoạt động khoan thăm dò và khai thác trở nên sôi động nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, nguồn cung giàn khoan trên toàn cầu lại bị thắt chặt do thiếu hụt giàn khoan mới sau nhiều năm giá dầu ở mức thấp và các giàn khoan hiện tại đều có việc làm.
Đại diện PV Drilling cho biết, dự kiến trong năm 2024, PV Drilling sẽ có 04 giàn khoan tự nâng và 01 giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm hoạt động xuyên suốt tại các thị trường nước ngoài. Đối với thị trường trong nước, PV Drilling hiện dự báo nhu cầu giàn khoan tự nâng trong năm 2024 sẽ tăng lên mức 9 giàn khi loạt dự án dầu khí mới được triển khai.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của PV Drilling đạt 21.499 tỷ đồng, tăng 3,8% so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, tổng giá trị tiền mặt và các khoản tiền gửi có kỳ hạn đạt 3.146 tỷ đồng, tương đương gần 15% tổng giá trị tài sản.
Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.514 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là 1.825 tỷ đồng với các khoản phải thu lớn từ PT Jimmulya (273 tỷ đồng), Brunei Shell Petroleum Company Sdn Bhd (226 tỷ đồng), PVEP POC (189 tỷ đồng)…
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của PV Drilling đạt 6.689 tỷ đồng, gần như tương đương thời điểm đầu năm nay. Trong đó, tổng nợ vay là 3.530 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn với giá trị 2.864 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 27/10, giá cổ phiếu PVD đạt 25.800 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 42% so với thời điểm đầu năm nay.