Lãi ròng quý 3/2023 của Đạm Cà Mau chạm đáy 14 quý
Vừa qua, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu thuần đạt hơn 3.150 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, giá vốn lại tăng 23%, khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp phân bón này giảm mạnh 82%, chỉ đạt 177 tỷ đồng trong quý 3/2023. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 29,1% xuống còn 5,9% trong quý 3/2023.
Điểm sáng duy nhất là doanh thu tài chính trong quý 3/2023 tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt hơn 200 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi ngân hàng tăng mạnh.
Sau khi trừ hết các khoản chi phí, lãi ròng của Đạm Cà Mau trong quý 3/2023 chỉ còn “vỏn vẹn” hơn 74 tỷ đồng, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2022 và chạm mức thấp nhất trong vòng 14 quý trở lại đây.
Theo giải trình của ban lãnh đạo Đạm Cà Mau, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm trong quý 3/2023 tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá bán phân bón giảm mạnh so với mức đỉnh của năm 2022, khiến doanh thu bán hàng công ty mẹ giảm hơn 9%; trong khi đó giá vốn hàng bán lại tăng hơn 21%. Thêm vào đó, chi phí bán hàng tăng hơn 35% do công ty đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến bán hàng, mở rộng thị trường và hoạt động bán xuất khẩu hàng hóa.
Dữ liệu của hãng chứng khoán Vietcap cho thấy giá dầu nhiên liệu trung bình trong quý 3/2023 của Đạm Cà Mau đạt 504 USD/tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, giá khí đầu đạt 9,9 USD/mmBTU (đã bao gồm VAT), tăng tới 27,2%. Ngược lại, giá phân ure trung bình của Đạm Cà Mau trong quý 3/2023 chỉ đạt 8.932 đồng/kg, giảm hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá phân ure trung bình của Đạm Cà Mau ở mức thấp chủ yếu là do giá xuất khẩu thấp với ước tính giá phân ure xuất khẩu thấp hơn khoảng 20% so với giá trong nước, theo Vietcap. Đồng thời, quý 3 thường là mùa thấp điểm tiêu thụ phân ure tại thị trường trong nước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.036 tỷ đồng và lãi ròng đạt 613 tỷ đồng, lần lượt giảm 21% và giảm 81% so với mức nền cao của cùng kỳ năm 2022.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Đạm Cà Mau tăng nhẹ lên 14.714 tỷ đồng. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp này lên tới hơn 9.800 tỷ đồng, tương đương 67% tổng tài sản. Hàng tồn kho đạt 2.418 tỷ đồng và các khoản phải thu tăng mạnh lên mức 380 tỷ đồng.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Đạm Cà Mau đạt 5.147 tỷ đồng, tương đương 35% tổng nguồn vốn, nhưng nợ vay tài chính chỉ còn hơn 250 tỷ đồng.
Kỳ vọng lãi ròng bật tăng mạnh từ quý 4/2023
Vietcap hiện nhận định lãi ròng của Đạm Cà Mau sẽ tăng mạnh trong quý 4/2023 nhờ chi phí khấu hao Nhà máy Ure của Đạm Cà Mau đã hết vào cuối tháng 9/2023 và chi phí khí đầu vào có thể giảm xuống trong quý 4 này. Theo ước tính của một số tổ chức tài chính, chi phí khấu hao hàng năm của Nhà máy Ure dao động trong khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Chi phí khấu hao giảm sẽ hỗ trợ lợi nhuận doanh nghiệp và bù đắp lượng chi phí gia tăng từ biến động giá khí đầu vào.
Trong những năm tiếp theo, Đạm Cà Mau chủ yếu ghi nhận chi phí khấu hao từ Nhà máy NPK. Việc hết khấu hao Nhà máy Ure là đòn bẩy giúp lợi nhuận của Đạm Cà Mau có thể tăng tới 61% trong năm 2024, theo Bảo Việt Securities (BVSC).
Về giá phân ure quốc tế, tính trung bình 9 tháng đầu năm nay, giá phân ure tại khu vực Trung Đông đạt 349 USD/tấn, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2022. Vietcap nhận định, những đợt tăng giá trong thời gian gần đây sẽ là cơ sở để giá phân ure quốc tế cả năm 2023 có thể đạt 350 USD/tấn. Dự báo giá phân ure trung bình của Đạm Cà Mau trong năm nay có thể đạt 410 USD/tấn.
Trong một diễn biến liên quan, vừa qua, Hội đồng Quản trị Đạm Cà Mau đã thông qua chủ trương mua 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt (KVF) từ chủ sở hữu.
KVF được thành lập theo hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hàn Quốc, bao gồm 51% vốn góp từ Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) và 49% vốn góp từ Huchems (công ty thành viên của Taekwang). Huchems hiện là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành hóa chất tinh chế tại Hàn Quốc.
KVF hiện đang sở hữu và vận hành Nhà máy NPK Hàn - Việt với tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD, công suất thiết kế đạt 360.000 tấn NPK/năm.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 27/9, thị giá cổ phiếu DCM đạt 28.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 18% so với thời điểm đầu năm nay.