Lãi ròng 9 tháng mới đạt 54% mục tiêu cả năm
Công ty Cổ phần Cao su Phước Hoà (mã cổ phiếu PHR - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu thuần đạt 453 tỷ đồng, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước; kéo theo đó, lợi nhuận gộp giảm 7,4%, xuống còn 149 tỷ đồng.
Trong khi đó, Cao su Phước Hoà ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính trong quý 3/2023 tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 35,6 tỷ đồng.
Xét về các khoản chi phí, chi phí tài chính trong kỳ đã giảm 24,3%, còn 3,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng cũng giảm 24%, còn 10 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp gần như đi ngang, đạt gần 26 tỷ đồng.
Kết quả, Cao su Phước Hoà báo lãi ròng ở mức 144,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp cao su này ghi nhận tổng doanh thu thuần 890 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng lãi ròng đạt hơn 505 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
So với kế hoạch kinh doanh cả năm, Cao su Phước Hoà đã hoàn thành 34% mục tiêu doanh thu và 54% mục tiêu lợi nhuận hợp nhất cả năm nay.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Cao su Phước Hoà đạt hơn 6.000 tỷ đồng, giảm khoảng 4,5% so với thời điểm đầu năm nay, chủ yếu do giá trị tài sản dở dang dài hạn và tài sản dài khác giảm.
Cao su Phước Hoà hiện đang có 76 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, bao gồm 59,3 tỷ đồng chi phí dở dang tại Dự án Khu dân cư Phước Hoà và 17 tỷ đồng liên quan đến chi phí tại Khu tái định cư và nhà ở cho công nhân Tân Bình.
Đối với dự án Khu dân cư Phước Hoà, Cao su Phước Hoà đang hoàn thiện hồ sơ để tách nền đất bàn giao cho các khách hàng đã ứng trước tiền. Dự án này có diện tích 31,35 ha với tổng mức đầu tư 107 tỷ đồng.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả tính đến cuối tháng 9/2023 của Cao su Phước Hoà đã giảm 19% so với thời điểm đầu năm nay, xuống còn 2.340 tỷ đồng (chiếm 39% tổng nguồn vốn). Trong đó, tổng nợ vay đã giảm 22%, xuống còn 206,3 tỷ đồng.
Kỳ vọng tăng trưởng đặt vào mảng khu công nghiệp
Hiện một số tổ chức tài chính nhận định Cao su Phước Hoà có thể hưởng lợi từ việc giá cao su thế giới đang phục hồi trở lại theo đà tăng của giá dầu thô và dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đang hồi phục tích cực.
Cao su Phước Hoà hiện đang dần xoay trục hoạt động kinh doanh từ mảng cao su sang mảng bất động sản khu công nghiệp. Công ty hiện quản lý quỹ đất quy mô 15.687 ha và đã xây dựng kế hoạch sử dụng đất cho hơn 10.000 ha từ nay cho đến 2030, trong đó gần 5.000 ha sẽ quy hoạch thành các khu công nghiệp, 1.018 ha quy hoạch thành các cụm công nghiệp ở các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
Quỹ đất chuyển đổi này là động lực tăng trưởng trong dài hạn cho Cao su Phước Hoà nhờ lợi thế chi phí giải phóng mặt bằng cho đất cao su ở mức thấp và các khu công nghiệp lớn tại tỉnh Bình Dương hiện đã đạt tỷ lệ lấp đầy cao.
Tuy nhiên, triển vọng mảng khu công nghiệp của Cao su Phước Hoà phụ thuộc lớn vào tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý của các dự án, nhất là khi hầu hết các khu công nghiệp hiện nay của doanh nghiệp đã được lấp đầy, quỹ đất sạch không được bổ sung trong những năm gần đây.
Khu công nghiệp Tân Lập và Khu công nghiệp Tân Bình mở rộng của Cao su Phước Hoà đều đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý, kì vọng có thể đưa vào khai thác vào 2025 - 2026.
Việc Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã cổ phiếu NTC) có quyết định giao đất trong tháng 5 vừa qua cũng đem lại kỳ vọng tăng trưởng trong ngắn và trung hạn cho Cao su Phước Hoà. Cao su Phước Hoà đang chi phối 32,85% vốn cổ phần của Nam Tân Uyên.
Hiện Nam Tân Uyên đang tập trung làm việc với cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bình Dương để Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhanh chóng triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 19/10, cổ phiếu PHR có giá tham chiếu tại mức 47.900 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 22% so với thời điểm đầu năm nay.