Nhiều khả năng sẽ thiếu hụt nguồn cung cao su trên toàn cầu
Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), dự báo năm 2023 sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt khoảng 14,916 triệu tấn, tiêu thụ đạt 14,912 triệu tấn tấn. Dự kiến nguồn cung cao su toàn cầu sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028 và có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn. Ngành cao su tự nhiên đã thoát ra thời kỳ kéo dài nguồn cung dư thừa.
Về phía nguồn cung, các quốc gia có nguồn cung cao su lớn đã có chính sách hạn chế sản lượng và hợp tác quản lý nguồn cung giữa các quốc gia để cân đối với thị trường. Trong khi đó, về phía nhu cầu, Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ cao su tự nhiên hàng đầu thế giới đang có nhiều chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp xe ô tô. Điều này sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới. Đồng thời, sự phục hồi của các nền kinh tế lớn trong những năm tới cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu về cao su tự nhiên.
Về diễn biến giá cao su, giá dầu thô kỳ vọng giữ ở mức cao sẽ hỗ trợ gián tiếp giá cao su tự nhiên tăng lên. Cụ thể, dầu thô là nguyên liệu đầu vào để sản xuất cao su tổng hợp - vật liệu thay thế cao su tự nhiên; việc giá dầu thô tăng cao sẽ khiến giá cao su tổng hợp tăng lên, từ đó kích thích nhu cầu sử dụng cao su tự nhiên.
Hiện các dự báo đều cho rằng giá dầu thô sẽ neo ở mức cao trong năm nay và năm sau do tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu thô Brent sẽ ở quanh mức 80 USD/thùng trong năm 2024. Trong khi đó, theo Goldman Sachs, trong trường hợp liên minh OPEC+ duy trì toàn bộ toàn bộ việc giảm sản lượng như hiện nay cho đến hết năm 2024 và Saudi Arabia chỉ nâng dần sản lượng khai thác theo tình hình thị trường thì giá dầu Brent có thể đạt tới 107 USD/thùng vào tháng 12/2024.
Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Trong ngắn hạn, giá cao su có thể vẫn duy trì ở mức thấp do lượng tồn kho ở mức cao cần thời gian để được giải phóng. Tính hiệu tích cực là trong nửa đầu năm 2023, lượng tồn kho đã chững lại khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại và kỳ vọng tồn kho cao su sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Hiện Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo giá cao su trong năm 2023 lên khoảng 1,4 USD/kg và trong năm 2024 lên 1,5 kg/năm (tương ứng tăng hơn 7%).
Dòng vốn FDI quay trở lại, củng cố đà phát triển của các khu công nghiệp
Bên cạnh câu chuyện giá cao su dần phục hồi, động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn của một số doanh nghiệp cao su niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn đến từ chiến lược chuyển đổi diện tích trồng cao su thành các khu công nghiệp.
Lợi thế về quỹ đất của các doanh nghiệp cao su hiện tập trung tại Bình Dương và Bình Phước vốn có vị trí đắc địa để chuyển đổi thành khu công nghiệp do giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh và có cùng hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển. Đồng thời, do đất chủ yếu trồng cao su nên thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng; mặt khác, gỗ cao su có thể thanh lý mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Động lực phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam đang được củng cố khi dòng vốn FDI đã tăng trưởng trở lại trong bối cảnh tình hình vĩ mô Việt Nam tiếp tục cải thiện, hạ tầng phát triển tích cực, và các địa phương tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư.
Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký trong tháng 7/2023 đạt 16,24 tỷ USD, đảo chiều tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và lần đầu tiên trong năm nay ghi nhận tăng trưởng dương. Vốn FDI giải ngân tính từ đầu năm đến 20/7/2023 đạt 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 7 cũng là tháng tích cực thứ 4 liên tiếp của dòng vốn FDI, cho thấy dòng vốn FDI đang quay lại Việt Nam một cách khá bền vững. Một số dự án FDI lớn vừa được chứng nhận gần đây như LG Innotek Hải Phòng (vốn tăng thêm 1 tỷ USD), Foxconn (đăng ký mới 246 triệu USD)…
Cổ phiếu cao su nào được hưởng lợi nhất?
Theo đánh giá của Yuanta Việt Nam, một số doanh nghiệp điển hình được hưởng lợi từ hai câu chuyện: giá cao su phục hồi và phát triển khu công nghiệp trong thời gian tới là: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE), Công ty Cổ phần Cao su Phước Hoà (mã cổ phiếu PHR - sàn HoSE), và Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (mã cổ phiếu DPR - sàn HoSE). Cụ thể:
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Trong ngắn hạn 2023 – 2024, nhờ lợi thế quỹ đất trồng cao su lớn và thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc nên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ hưởng lợi.
Về mảng khu công nghiệp, tập đoàn này đang tập trung vào 8 dự án khu công nghiệp với tổng diện tích 2.900 ha (chủ yếu ở Bình Dương và Bình Phước), dự kiến khởi công trong năm nay và năm sau. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện đặt kế hoạch chuyển đổi 40.000 ha đất cao su sang đất khu công nghiệp trong giai đoạn 2023 – 20230. Đây sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho tập đoàn này.
Đối với Cao su Phước Hoà: Diện tích đất cao su hiện tại của doanh nghiệp này là khoảng 9.300 ha với phần lớn đang trong tuổi khai thác tốt nên hiệu quả cao hơn các doanh nghiệp cùng ngành. Theo đó, Cao su Phước Hoà có thể hưởng lợi khi giá cao su phục hồi.
Về mảng khu công nghiệp, doanh nghiệp này có 2.000 ha sẽ bàn giao cho tỉnh Bình Phước theo Quy hoạch giai đoạn 2020 – 2030 và tỉnh Bình Phước sẽ đền bù cho Cao su Phước Hoà dự kiến 250 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2023 – 2029. Đồng thời, Cao su Phước Hoà còn có 2.000 ha đất để phát triển thêm mảng khu công nghiệp.
Trong năm 2022, giá trị đền bù chưa được thực hiện là 150 tỷ đồng, theo đó, Cao su Phước Hoà có thể ghi nhận tiền đền bù đến 400 tỷ đồng trong năm nay. Ngoài ra, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú của doanh nghiệp này sẽ bắt đầu cho thuê từ 2023 sẽ là động lực tăng trưởng trong ngắn hạn.
Đối với Cao su Đồng Phú: Diện tích vườn cao su của doanh nghiệp này đã giảm nhiều do chuyển đổi sang đất khu công nghiệp khiến kết quả kinh doanh mảng cao su có thể giảm trong giai đoạn tới đây. Các khoản đền bù của Cao su Đồng Phú cũng đã được nhận hết trong năm nay.
Hiện kỳ vọng các khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 và VSIP 3 có thể mang lại lợi nhuận lớn cho Cao su Đồng Phú trong năm 2024. Trong dài hạn, Khu công nghiệp Tân Lập (400 ha) và Khu công nghiệp Tân Bình 2 (1.055 ha) sẽ là động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp này.