Lãi ròng của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã đạt 108% mục tiêu cả năm
Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với 4.176 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp trong kỳ lại giảm 10%, chỉ còn 181 tỷ đồng, do giá vốn hàng bán đã tăng mạnh. Kéo theo đó, biên lãi gộp của doanh nghiệp dầu khí này giảm từ 5,7% xuống còn 4,3% trong quý 3/2023.
Doanh thu tài chính trong quý 3/2023 của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí tăng mạnh 55%, đạt 211 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi tăng cao.
Tuy nhiên, các khoản cho phí của doanh nghiệp đều tăng cao trong kỳ. Trong đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đáng kể do chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và quỹ tiền lương tạm ghi nhận cao hơn cùng kỳ.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí chỉ đạt 141 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 3/2023 thấp hơn so với cùng kỳ chủ yếu do hoạt động kinh doanh của mảng cung ứng kho chứa và xử lý dầu thô FSO/FPSO, và mảng dịch vụ căn cứ cảng kém thuận lợi hơn so với năm trước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 12.019 tỷ đồng và lãi ròng 580 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 40% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, doanh nghiệp này hiện đã đạt 95% mục tiêu doanh thu và 108% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Xét về cơ cấu doanh thu, mảng dịch vụ cơ khí, đóng mới và xây lắp đóng góp khoảng 53% tổng doanh thu; phần doanh thu còn lại đến từ các mảng dịch vụ kỹ thuật dầu khí; dịch vụ cung ứng kho nổi chứa; xử lý và xuất dầu thô, dịch vụ căn cứ cảng; dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí biển,... Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và trong khu vực về cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí, đặc biệt là mảng xây lắp cơ khí, công trình biển (M&C).
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đạt 28.564 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản tiền và tiền gửi ngân hàng lên tới 10.064 tỷ đồng, tương đương với thời điểm đầu năm nay, chiếm hơn 35% tổng tài sản của doanh nghiệp này. Lượng tiền gửi lớn này đã đem lại khoản doanh thu tài chính lớn, đóng góp đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong quý 3/2023.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí vào cuối tháng 9/2023 đạt 1.394 tỷ đồng, bao gồm 788 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn.
Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong 9 tháng đầu năm nay là âm 496 tỷ đồng, so với mức dương 917 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do các khoản phải thu và hàng tồn kho đã tăng mạnh. Trong khi đó, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư dương 121 tỷ đồng và lưu chuyển tiền hoạt động tài chính âm 28 tỷ đồng. Do đó, lưu chuyển tiền thuần của doanh nghiệp này là âm 402 tỷ đồng sau 3 quý đầu năm nay.
Lãi ròng cả năm có thể tăng 19%, Dragon Capital gom thêm 1 triệu cổ phiếu PVS
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, với việc giá dầu thô Brent neo cao trong thời gian qua đã khiến nhu cầu thăm dò và khai thác dầu khí (E&P) trên toàn cầu “bùng nổ”, tạo ra lượng việc làm khổng lồ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ M&C như Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.
Hàng loạt quốc gia khai thác dầu thô lớn, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông, đang đẩy mạnh hoạt động E&P trong giai đoạn 2023 – 2023 để sau đó sẽ dần giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí.
Ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng cho biết đang gấp rút đấu thầu một số dự án rất lớn tại Qatar để nắm bắt thời cơ. Tuy nhiên, công ty chưa tiết lộ chi tiết cụ thể về thông tin cũng như giá trị các dự án này. Những dự án trên được kỳ vọng sẽ đảm bảo lượng công việc khổng lồ trong mảng M&C dầu khí quốc tế của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2025 - 2027.
Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Hiện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang thực hiện một số dự án quốc tế lớn gồm Galaff 3 (Qatar) và Shwe Jacket 3 (Myanmar).
MBS Research đánh giá, với mức giá dầu thô neo cao như hiện nay, mức lãi ròng năm 2023 của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có thể tăng tới 18,6% so với năm 2022.
Trong một diễn biến có liên quan, quỹ đầu tư CTBC Vietnam Equity Fund thuộc nhóm quỹ ngoại Dragon Capital vừa thông báo đã hoàn tất việc mua thêm 1 triệu cổ phiếu PVS vào ngày 20/10; qua đó, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 3,55% vốn điều lệ Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.
Như vậy, nhóm quỹ ngoại Dragon Capital đang nắm giữ tổng cộng 29,3 triệu cổ phiếu PVS tương đương 6,14% vốn điều lệ Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 27/10, thị giá cổ phiếu PVS đạt 37.100 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 75% so với thời điểm đầu năm nay.