Dầu thô của Nga có thể bị áp giá bán trần từ 40 – 60 USD/thùng

Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) có thể áp giá trần đối với dầu thô của Nga ở mức 40 – 60 USD/thùng trong thời gian tới nhằm giảm nguồn thu của Nga từ xuất khẩu năng lượng mà không gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế phương Tây.

Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) hiện đang thảo luận về các biện pháp giảm nguồn thu của Nga từ mặt hàng năng lượng mà không gây tổn hại đến các nền kinh tế của mình. Hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) dẫn lời nguồn tin cho biết giới chức phương Tây đang thảo luận việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga ở mức 40 – 60 USD/thùng. Mức giá này được Hoa Kỳ và EU tính toán dựa trên chi phí sản xuất và giá dầu của Nga trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Đức vào cuối tháng trước, lãnh đạo các cường quốc phương Tây đã nhất trí việc nghiên cứu các phương án áp trần giá, cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển dầu cũng như các sản phẩm tinh chế dầu thô của Nga trừ khi các mặt hàng này được bán dưới mức giá trần.

Hãng tin Bloomberg cho biết mức giá trần áp dụng đối với mặt hàng dầu thô của Nga sẽ thay đổi theo diễn biến thị trường. Trước khi giá dầu thô Brent và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm giá mạnh trong phiên giao dịch ngày 5/7, giá dầu thô Nga được giao dịch quanh mức 80 USD/thùng.

Xuất khẩu dầu thô của Nga
 Bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây, hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga sang một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng trưởng mạnh (Ảnh: Upstream Online)

Giới chức Hoa Kỳ đã tổ chức nhiều phiên họp trong thời gian qua để thảo luận việc áp trần giá với dầu thô của Nga và nỗ lực này sẽ được tăng cường trong thời gian tới, theo hãng tin Bloomberg. Anh có thể sẽ đưa ra quy định cấm các hãng bảo hiểm của nước này cung cấp dịch vụ liên quan đến vận chuyển, giao dịch dầu thô của Nga trong thời gian tới.

Nhiều nhà quan sát nhận định các nước phương Tây khó có sớm đồng thuận về việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga do đề xuất này cần có kế hoạch triển khai chi tiết và đối mặt với nhiều rào cản. Trong đó, việc áp giá trần sẽ buộc EU phải chỉnh sửa các biện pháp trừng phạt đã được thông qua hồi cuối tháng 5 vừa qua và việc sửa đổi này sẽ cần phải được toàn bộ các quốc gia trong EU thông qua.

Theo hãng tin Bloomberg, một số quan chức Hoa Kỳ hiện lo ngại việc EU cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga vào cuối tháng 5 vừa qua có thể khiến giá dầu thô còn tăng mạnh trong thời gian tới, thậm chí đạt 185 USD/thùng như một số dự báo. Việc giá năng lượng ở mức cao kỷ lục có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Về phía Nga, mặc dù phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào các mặt hàng năng lượng của nước này, Nga vẫn đang tăng cường xuất khẩu năng lượng sang một số quốc gia.

Hiện tại, Nga thu về hơn 600 triệu USD/ngày từ việc xuất khẩu dầu thô. Các số liệu cho thấy, trong các tháng từ tháng 3 – tháng 5 vừa qua, lượng dầu thô được Trung Quốc nhập khẩu từ Nga đã cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu dầu thô từ Nga của Ấn Độ hiện cũng gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Quỳnh Trang