Để doanh nghiệp Việt sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu

Ngày 14/12/2022, được sự ủy thác của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Chuyển từ tuân thủ sang chủ động thực hiện: Các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng bền vững”.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ hợp tác của Đức nhằm cải thiện việc thực thi các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường trong hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, giúp nâng vị thế của quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương
Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của mọi quốc gia.

Trong những năm gần đây, các chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ đã quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm môi trường, xã hội và lao động. Đồng thời, ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia cam kết chỉ làm việc với các nhà cung cấp tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường.

Sự xuất hiện của một trật tự kinh tế đang thay đổi cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp trên toàn thế giới nghiêm túc quan tâm đến tính bền vững của chuỗi sản xuất và dịch vụ.

Các chiến lược phát triển, kinh doanh và chức năng của công ty được thiết kế, cơ cấu lại để đảm bảo tính bền vững về con người và môi trường, linh hoạt và có sức chống chịu tốt hơn trước những bất ổn và bất định xảy ra trong thời gian vừa qua. Mục đích là tạo ra một loạt các hoạt động bền vững diễn ra suôn sẻ trong toàn bộ chuỗi cung ứng, và mục đích này chỉ có thể thực hiện được nếu tất cả các thành viên trong chuỗi, bao gồm các nhà cung ứng phát triển bền vững cùng nhau.

Đối với Việt Nam, phát triển nhanh và bền vững được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu trong toàn bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển hài hòa, ổn định, bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Tuy nhiên, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, các vấn đề an ninh phi truyền thống nhất là biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng trở nên gay gắt làm gia tăng thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới. Từ năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề và tăng trưởng thiếu vững chắc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia.

“Đại dịch đã phơi bày nhu cầu cấp bách cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng để đảm bảo tránh được tình trạng dễ bị tổn thương nếu chỉ tập trung vào một quốc gia, một khu vực hoặc một nhà sản xuất đơn lẻ”, ông Ngô Khải Hoàn nhận định.

Bên cạnh đó, việc chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang thời gian vừa qua cũng cho thấy cần hợp tác để đảm bảo có được chuỗi cung ứng bền bỉ, đa dạng hóa mạnh mẽ; tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị, gián đoạn nguồn cung. Xu thế này có thể mang lại dòng vốn dịch chuyển đầu tư quốc tế lớn vào công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất của thế giới và tăng cường tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, với 15 hiệp định thương mại tự do đã ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Để nắm bắt được cơ hội thị trường từ các hiệp định này, các doanh nghiệp cần phải hiểu và tuân thủ các cam kết và yêu cầu của thị trường các nước đối tác.

Bên cạnh những yêu cầu về năng suất và chất lượng, các đối tác nước ngoài đang ngày càng có xu hướng đặt ra thêm những yêu cầu liên quan đến xã hội, môi trường trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp. Xu hướng này đang được đẩy mạnh bởi các quy định về trách nhiệm tra soát liên quan đến phát triển bền vững đã được ban hành ở một số quốc gia phát triển. Những quy định này yêu cầu các doanh nghiệp phải đánh giá và giảm thiểu rủi ro vi phạm các tiêu chuẩn về lao động và môi trường trên toàn chuỗi cung ứng.

Bà Saskia Anders - Đại diện GIZ Việt Nam
Bà Saskia Anders - Đại diện GIZ Việt Nam

Cộng hòa Liên bang Đức, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Liên minh châu Âu, đã ban hành và sẽ chính thức áp dụng Luật về Trách nhiệm tra soát của doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa các vi phạm về quyền con người trên toàn chuỗi cung ứng (LkSG) từ ngày 01/01/2023. Luật yêu cầu các doanh nghiệp lớn hoạt động trên lãnh thổ Đức chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến quyền con người và môi trường trên toàn chuỗi cung ứng.

Chỉ thị về trách nhiệm tra soát bền vững cũng đang được các nước Liên minh châu Âu thảo luận và dự kiến sẽ áp dụng các quy định tương tự tại tất cả các nước Liên minh châu Âu.

Mặc dù không chịu sự điều chỉnh trực tiếp của những quy định nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chịu tác động khi tham gia chuỗi cung ứng của các công ty nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của luật. Việc sớm nắm bắt những yêu cầu của các khách hàng tiềm năng sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị sẵn sàng hệ thống giám sát nội bộ hiệu quả, đảm bảo các tiêu chuẩn về lao động và môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Theo đó, cải thiện việc thực thi các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường trong hoạt động kinh doanh sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng tầm vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và gia tăng giá trị trong nước của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước phát triển theo hướng bền vững và có trách nhiệm hơn cũng sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững, trong đó có cam kết về trung hòa carbon vào năm 2050.

Nhìn chung, ngoài nhu cầu sản xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn, chất lượng tốt hơn, thì ngày nay sản xuất còn phải đảm bảo có trách nhiệm hơn với môi trường và con người. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với các sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam, vốn chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp; năng lực sản xuất, quản trị, chất lượng sản phẩm,… chưa thể đáp ứng đúng các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của các tập đoàn lớn đặt ra; và hơn nữa chưa quan tâm đúng mức đến các chuẩn mực về kinh doanh có trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.

Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững, tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu,… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới.

Về phía mình, Cục Công nghiệp đã và đang phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp khác nhau triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước.

“Các yêu cầu về trách nhiệm tra soát chuỗi cung ứng không hoàn toàn mới. Tuy nhiên, so với trước đây, các yêu cầu này ngày càng liên quan chặt chẽ hơn, đòi hỏi sự chủ động của doanh nghiệp nhiều hơn. Việc nhanh chóng nắm bắt và thực hiện các quy định này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, cải thiện năng lực cạnh tranh trong chuỗi, đồng thời, mang lại lợi ích trực tiếp cho người lao động”, đại diện Cục Công nghiệp cho hay.

Nghi thức công bố thành lập Bộ phận hỗ trợ kinh doanh trách nhiệm (RBH) thuộc VCCI
Nghi thức công bố thành lập Bộ phận hỗ trợ kinh doanh trách nhiệm (RBH) thuộc VCCI

Tại hội thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố thành lập Bộ phận hỗ trợ kinh doanh trách nhiệm (RBH) nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp trong việc cải thiện việc thực hiện các quy định về xã hội và môi trường, trước áp lực ngày càng lớn từ phía khách hàng. RBH hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiểu biết và sẵn sàng đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. RBH cũng sẽ hỗ trợ kết nối thông tin giữa các nhãn hàng và các nhà sản xuất trong nước để hình thành các chuỗi cung ứng bền vững hơn.

Bộ phận hỗ trợ kinh doanh trách nhiệm tại Việt Nam tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức tại Việt Nam trong giai đoạn ban đầu. RBH do VCCI trực tiếp quản lý, và là thành viên của Mạng lưới các Bộ phận hỗ trợ kinh doanh trách nhiệm kết nối các RBH trên toàn cầu.

Thy Thảo