Dệt may Hoà Thọ (HTG): Dự báo nhu cầu vẫn còn thấp trong nửa đầu năm 2024

Ban lãnh đạo Dệt may Hoà Thọ vừa cho biết nhu cầu đối với sản phẩm của doanh nghiệp dự kiến sẽ vẫn còn thấp trong nửa đầu năm 2024. Do đó, công ty sẽ không mở rộng sản xuất chỉ tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai.

Dệt may Hoà Thọ dự báo nhu cầu thấp kéo dài sang nửa đầu năm 2024

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã cổ phiếu VGT - sàn UPCoM) vừa có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ (mã cổ phiếu HTG - sàn UPCoM) về hoạt động kinh doanh năm nay và kế hoạch kinh doanh của năm 2024.

Tại buổi làm việc, ban lãnh đạo Dệt may Hoà Thọ cho biết, luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 3.200 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 72% kế hoạch cả năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu đạt 80 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 80% kế hoạch cả năm 2023. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm 46% tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này; theo sau là châu Âu (chiếm 14%) và châu Á (28%). Sản phẩm chủ yếu của Dệt may Hoà Thọ là các loại sợi và sản phẩm may.

Dệt may Hoà Thọ Tạp chí Công Thương
Do dự báo nhu cầu vẫn còn ở mức thấp, Dệt may Hoà Thọ sẽ không mở rộng đầu tư sản xuất, chỉ tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai.

Dự báo tình hình thị trường thời gian tới, ban lãnh đạo Dệt may Hoà Thọ nhận định nhu cầu trên thị trường vẫn còn thấp trong nửa đầu năm 2024. Do đó, công ty quyết định sẽ không mở rộng đầu tư sản xuất mà chỉ tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai, bao gồm: Nhà máy may Triệu Phong giai đoạn 3; cải tạo nhà xưởng may Quảng Ngãi; đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ máy móc thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu và Phát triển của ngành May.

Sau khi nghe báo cáo từ phía Dệt may Hoà Thọ, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex, cho biết mặc dù ngành dệt may Việt Nam đã qua “đáy xấu nhất” nhưng tình trạng nhu cầu thấp đối với sản phẩm ngành dệt may dự kiến sẽ còn kéo dài sang năm 2024 trong bối cảnh các yếu tố tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu được dự báo còn duy trì ở mức thấp cho đến năm 2024.

Cụ thể, tăng trưởng GDP của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc trong năm 2024 được dự báo sẽ thấp hơn năm 2023. Nền kinh tế Trung Quốc có thể không đạt mục tiêu và kỳ vọng, đối mặt rủi ro giảm phát. Lãi suất tại châu Âu được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2024 để tiếp tục đưa lạm phát tại đây về mức mục tiêu 2%, rủi ro bất ổn nguồn cung năng lượng vẫn hiện hữu kèm áp lực tăng lương khiến nỗ lực giảm lạm phát tại đây kéo dài. Dự báo quý 1/2024 sẽ tiếp tục khó khăn, thậm chí khó hơn quý 4/2023, theo chia sẻ của ông Lê Tiến Trường.

Xem thêm: May Sông Hồng: Đơn hàng sẽ dồi dào trở lại từ quý 4, cổ phiếu MSH tăng “nóng” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Nhu cầu tại thị trường Mỹ có thể mất đến 2 năm để phục hồi

Theo đánh giá gần đây của SSI Research, dự báo giá bán của hàng may mặc xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong nửa cuối năm 2023, thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022, và chỉ cải thiện nhẹ đối với đơn hàng FOB. Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may sẽ tiếp tục bị thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.

Hơn nữa, Tập đoàn Dệt may Việt Nam dự kiến xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3-4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024.

Trong nửa cuối năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước kỳ vọng các đơn đặt hàng trong quý 3/2023 sẽ vẫn tương đương mức quý 2/2023 và sau đợt giảm giá mạnh trong các kỳ nghỉ lễ của quý 4/2023, triển vọng doanh thu sẽ được cải thiện.

Hầu hết các công ty đều đã ghi mức nền kết quả kinh doanh thấp trong quý 4/2022, do đó, kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quý 4/2023. Thống kê trong quá khứ, khi lượng hàng tồn kho quần áo ở Hoa Kỳ đạt đỉnh điểm vào tháng 1/2007, thị trường phải mất hai năm để hấp thụ với lượng hàng tồn kho sau đó mới phục hồi trở lại vào tháng 12/2009, SSI Research cho biết

Quỳnh Trang