Dệt may TNG: Kinh doanh tháng 6 có dấu hiệu hụt hơi, đã hoàn thành 49% mục tiêu doanh thu cả năm

Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG ghi nhận hơn 3.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu trong riêng tháng 6 thấp hơn so với các tháng trước đó.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã chứng khoán: TNG - sàn: HNX) vừa công bố báo cáo tình hình kinh doanh tháng 6/2023 với doanh thu tiêu thụ đạt 701 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái; kết thúc mạch tăng trưởng kéo dài 4 tháng vừa qua.

Nếu so với tháng 5/2023, mức doanh thu này vẫn tăng gần 5%, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đã suy yếu hơn so với những tháng trước đó.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Dệt may TNG ghi nhận tổng doanh thu đạt 3.331 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu xuất khẩu chiếm tới 97% tổng doanh thu của công ty. Trong đó, Hoa Kỳ, Pháp và Canada là 3 thị trường riêng lẻ lớn nhất của Dệt may TNG, lần lượt chiếm 46%, 15% và 10% tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023.   

Trong năm nay, Dệt may TNG đặt mục tiêu doanh thu ở mức 6.800 tỷ đồng, tương đương năm ngoái, và lãi ròng ở mức 299 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với mức thực hiện của năm 2022. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm nay, công ty đã thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu của cả năm.

Dệt may TNG là một trong số ít doanh nghiệp dệt may ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong bối cảnh toàn ngành dệt may Việt Nam chịu tác động nặng nề vì thiếu đơn hàng, khi sức mua tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm giảm mạnh. Dữ liệu sơ bộ cho thấy, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cổ phiếu Dệt may TNG
 Diễn biến giá và cổ phiếu TNG của Dệt may TNG từ đâu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Ông Trần Như Tùng  - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã cổ phiếu: TCM – sàn: HoSE) cho biết “Vào đầu năm, chúng tôi đã kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục từ quý 3, nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ ràng. Mặc dù tín hiệu chỉ số của Hoa Kỳ về lạm phát đã được kiểm soát, nhưng đơn hàng chưa thấy một cách rõ ràng. Các đơn hàng nhỏ rất nhiều, điều này có nghĩa khách hàng sợ phải tồn kho nên họ đặt một cách nhỏ giọt và cẩn trọng hơn. Cá nhân tôi nghĩ rằng trong kịch bản khả quan nhất, đến hết năm nay thị trường dệt may mới phục hồi.”

Xem thêm bài viết "Dệt may Thành Công: Thị trường chưa hồi phục, thực hiện ESG là yếu tố sống còn của ngành dệt may Việt Nam" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Cùng chung nhận định, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam dự báo ngành dệt may và thời trang sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng còn lại của năm 2023, với mức tăng trưởng doanh số tương đối chậm, thậm chí tăng trưởng âm do nhu cầu yếu.

Bên cạnh đó, ngành dệt may còn đối mặt với những đòi hỏi khắt khe hơn đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… Điều này sẽ tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành dệt may.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ban lãnh đạo Dệt may TNG cho biết để đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra, công ty sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm may xuất khẩu cho khách hàng có thương hiệu là những nhà bán lẻ lớn trên thế giới và các hãng thời trang có thương hiệu, uy tín như Nike, ANF, Adidas, Tomtailor....Đồng thời, công ty tập trung triển khai các dự án nghiên cứu chế tạo sản phẩm phục vụ tự động hóa lĩnh vực may mặc; cung cấp, ký kết các hợp đồng phần mềm dệt may…

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/7, giá cổ phiếu TNG của Dệt may TNG đạt 19.300 đồng/cổ phiếu; tăng gần 49% so với thời điểm đầu năm nay.   

Quỳnh Trang