Sẽ có lãi trở lại trong nửa đầu năm 2023
Ngày 21/4, tại TP.Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG – sàn: HoSE) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu là 20.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2022 và lợi nhuận trước thuế là 400 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 107 tỷ đồng trong năm ngoái. Kế hoạch kinh doanh này được xây dựng dựa trên giả định giá thép cán nóng dao động từ 600 – 700 USD
Phát biểu tại phiên họp, ban lãnh đạo Thép Nam Kim nhận định năm 2023 chưa thực sự thuận lợi để tăng trưởng nhưng những gì khó khăn nhất đối với doanh nghiệp đã qua. Trong năm nay, Thép Nam Kim sẽ tập trung củng cố lại các mối quan hệ đối với đối tác trong và ngoài nước cũng như ổn định tình hình tài chính. Kết quả kinh doanh năm 2023 của công ty sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào.
Thông báo về kết quả kinh doanh quý I/2023, ban lãnh đạo Thép Nam Kim ước tính lợi nhuận 3 tháng đầu năm có thể âm khoảng 50 tỷ đồng do thị trường vẫn ảm đạm, đồng thời trùng với dịp Tết Nguyên đán nên hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn. Đây được xem là con số tương đối tích cực nếu so với mức lỗ hàng trăm tỷ đồng trong nửa cuối năm ngoái.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thép Nam Kim ông Hồ Minh Quang dự báo kết quả kinh doanh quý II/2023 sẽ tốt hơn đáng kể nhờ việc giá thép cán nóng, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tôn mạ và ống thép, đã giảm về mức thấp, và cam kết Thép Nam Kim sẽ thoát lỗ, ghi nhận lãi trở lại trong nửa đầu năm nay.
Đối với vấn đề triển khai Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ, ông Hồ Minh Quang cho biết công ty đang làm thủ tục nhưng tình hình thị trường còn nhiều khó khăn nên chưa triển khai, khả năng sẽ lùi thời gian triển khai rất lâu cho đến khi kinh tế phục hồi, nhu cầu tăng thực sự trở lại mới triển khai dự án.
Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ được xem là bước đi chiến lược của công ty, giúp nâng công suất toàn hệ thống lên 2,2 triệu tấn/năm, tăng gấp 2,2 lần so với tổng công suất thiết kế 3 nhà máy hiện tại của Thép Nam Kim.
Giá tồn kho đã về mức an toàn, lượng tồn kho giảm mạnh
Đáng chú ý, ban lãnh đạo Thép Nam Kim cho biết bình quân giá tồn kho của công ty đã về mức thấp nhờ chiến lược quản trị hàng tồn kho linh hoạt, nhập xuất cân đối trong chu kỳ giá giảm. Theo đó, trong quý IV/2022, Thép Nam Kim đã mua hàng vào, chấp nhận việc tồn kho tăng lên khi nhận thấy giá hàng hoá có xu hướng tạo đáy và tăng lên lại. Tuy nhiên, trong quý I và quý II/2023, Thép Nam Kim sẽ giảm dần hàng tồn kho trở lại. Tính đến cuối quý I/2023, Thép Nam Kim còn tồn kho khoảng 6.000 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Thép Nam Kim xác nhận sẽ cẩn trọng quản lý hàng tồn kho trong năm nay, không đẩy mạnh mua quá mức hay đầu cơ nguyên liệu, đặt mục tiêu đưa mức tồn kho về dưới sản lượng bán hàng 1 quý và giảm mạnh hàng tồn kho trong 6 tháng đầu năm nay. Đồng thời, công ty không trích thêm dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong quý I/2023 vì dự phòng các quý trước vẫn còn.
Tổng Giám đốc Thép Nam Kim ông Võ Hoàng Vũ cho biết thêm tồn kho đơn hàng xuất khẩu của công ty hiện trên 2 tháng với giá xuất khẩu khá tốt so với giá tồn kho.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về triển vọng thị trường thời gian tới, ban lãnh đạo Thép Nam Kim cho biết rất khó để xác định thị trường liệu có khởi sắc hay chưa vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự phục hồi của ngành bất động sản, nhu cầu thị trường,...
Trong đó, thị trường nội địa gần như không có sự tăng trưởng trong 3 năm qua. Từ năm 2020 trở về trước, sản lượng bán hàng tại thị trường nội địa và xuất khẩu của Thép Nam Kim khá cân bằng, đôi khi nội địa có phần nhỉnh hơn. Nhưng gần đây, doanh nghiệp tăng trưởng chủ yếu nhờ vào thị trường xuất khẩu nhưng tốc độ đầu tư và cạnh tranh của thị trường trong nước vẫn rất lớn, ông Võ Hoàng Vũ cho biết.
Về việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Tổng Giám đốc Thép Nam Kim đánh giá Trung Quốc tăng trưởng tốt là tin vui cho ngành thép toàn cầu nhưng quốc gia này chưa phải là thị trường dẫn dắt giá thép cuộn cán nóng ở thời điểm hiện nay.
Đánh giá về việc giá thép cuộn cán nóng tại Hoa Kỳ hiện tăng trên 1.000 USD/tấn, chênh hơn tới 300 - 400 USD/tấn so với thị trường Việt Nam, ông Võ Hoàng Vũ cho biết Thép Nam Kim đã khảo sát và đánh giá nhu cầu tại thị trường Hoa Kỳ không được tốt. Bên cạnh đó, tôn mạ và thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải chịu mức thuế lên đến 25%; giá cước vận tải từ Việt Nam sang thị trường này hiện vẫn ở mức rất cao do đó mức chênh lệch cần lên tới 400 - 500 USD/tấn mới đủ bù đắp thuế và cước vận tải.
Do đó, Thép Nam Kim vẫn đang tập trung khai thác thị trường châu Âu, Australia, khu vực Đông Nam Á, sau đó mới đến Hoa Kỳ.