Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán: STK - sàn: HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 288 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước; biên lãi gộp cũng giảm mạnh từ 17% xuống còn 6%.
Sợi Thế Kỷ cho biết, trong quý I/2023, doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do khách hàng trực tiếp lẫn gián tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng. Mặc dù chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý có tiết giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn không bù đắp được sự sụt giảm lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế của Sợi Thế Kỷ trong ba tháng đầu năm chỉ vỏn vẹn ở mức 1,6 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vừa diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Đặng Triệu Hoà - Tổng Giám đốc Sợi Thế Kỷ cho biết tiến trình phục hồi của công ty chậm hơn một quý so với kế hoạch, do đó, kết quả quý I/2023 sẽ không có nhiều khởi sắc, sự phục hồi có thể bắt đầu từ quý III và bình thường trở lại trong quý IV/2023. Ông Đặng Triệu Hoà nhấn mạnh Sợi Thế Kỷ vẫn cố gắng duy trì hoạt động không để lỗ trong giai đoạn khó khăn.
Trong năm nay, Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu doanh thu 2.149 tỷ đồng, tăng 2% so với mức thực hiện năm ngoái, và lợi nhuận sau thuế là 253 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022. Nếu so với kế hoạch kinh doanh này thì hết quý I/2023, Sợi Thế Kỷ mới chỉ hoàn thành 13% kế hoạch doanh thu và 0,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 21/4, cổ phiếu STK của Sợi Thế Kỷ có mức giá tham chiếu tại 28.200 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất của cổ phiếu STK đạt trên 64.000 đơn vị.
Về cơ cấu tài sản, tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Sợi Thế Kỷ đạt 2.175 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, lượng hàng tồn kho của công ty không thay đổi nhiều so với đầu năm, đạt 465 tỷ đồng. Sợi Thế Kỷ hiện đang có hơn 311 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Sợi Thế Kỷ là khoảng 632 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nguồn vốn; trong đó, nợ vay ngắn hạn là 348 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty hiện đạt 1.542 tỷ đồng, bao gồm 699 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Trong năm 2023, Sợi Thế Kỷ dự kiến sợi tái chế sẽ chiếm 56% tỷ trọng sản lượng sản xuất. Định hướng đến năm 2027, Sợi Thế Kỷ sẽ tập trung phát triển các sản phẩm sợi tái chế, giảm dần sản xuất sợi nguyên sinh.
Theo nhiều dự báo, ngành dệt may có phục hồi nhẹ vào quý II/2023, nhưng sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Đối với ngành sợi, thị trường được dự báo sẽ vẫn ảm đạm. Giá bán sợi trên thị trường hiện ở mức thấp trong khi giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị tăng cao.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%, không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế khi giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Trong đó, một sản phẩm công nghiệp chủ lực thuộc ngành dệt may ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ năm trước, như vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 13,1%; quần áo mặc thường giảm 10,2%.
Xuất khẩu hàng dệt may cũng cho thấy ảnh hưởng nặng nề bởi giảm cầu thế giới, khi chỉ đạt kim ngạch 7,2 tỷ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước.