Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS): Tham gia dự án điện gió ngoài khơi quy mô tới 600 MW

Tập đoàn năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới CIP vừa ký hợp đồng hợp tác với liên danh Semco Maritime - PTSC M&C để thực hiện Dự án điện gió ngoài khơi Fengmiao tại Đài Loan (Trung Quốc) có quy mô lên tới 600 MW.

Tham gia dự án điện gió ngoài khơi quy mô tới 600 MW

Dịch vụ Kỹ thuật
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí hiện đã có công việc tới năm 2026 với các dự án điện gió ngoài khơi Hải Long 2&3 và Greater Changhua (Đài Loan, Trung Quốc) và Baltica 2 (Ba Lan).

Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch, CIP) vừa ký kết hợp đồng hợp tác với liên danh giữa tập đoàn xây dựng năng lượng Semco Maritime (Đan Mạch) với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C). Theo đó, liên danh này sẽ được lựa chọn là nhà cung cấp ưu tiên cho hạng mục trạm biến áp ngoài khơi của Dự án điện gió ngoài khơi Fengmiao do CIP làm chủ đầu tư tại Đài Loan (Trung Quốc).

Copenhagen Infrastructure Partners hiện là tập đoàn năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Trong khi đó, PTSC M&C là đơn vị thành viên của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) - nhà thầu hàng đầu Việt Nam và trong khu vực về cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí, đặc biệt là trong lĩnh vực xây lắp cơ khí, công trình biển (M&C).

Phát biểu tại buổi ký kết hợp đồng hợp tác, ông Stuart Livesey - CEO của Copenhagen Offshore Partners Việt Nam kiêm đại diện của CIP tại Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với PTSC M&C trong thời gian qua và rất vui mừng khi thấy liên danh Semco Maritime - PTSC M&C hợp tác để có thể cung cấp những trạm biến áp ngoài khơi chất lượng cao tới thị trường quốc tế. Việc ký kết hôm nay chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều cơ hội mà ngành điện gió ngoài khơi có thể mang lại trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng trong nước, tạo cơ hội việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam”.

Ký hợp đồng
Lễ Biên bản ghi nhớ giữa CIP với liên danh Semco Maritime - PTSC M&C hồi tháng 11/2022.

Trước đó, vào tháng 11/2022, CIP đã ký Biên bản ghi nhớ với liên danh Semco Maritime - PTSC M&C về việc thiết kế, mua sắm và thi công trạm biến áp ngoài khơi cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, cũng như phát triển thị trường ra châu Á và quốc tế. Ngay sau đó, vào cuối năm 2022, một số lãnh đạo cấp cao của CIP, bao gồm Giám đốc điều hành Jacob Poulsen, đã đến thăm công trường chế tạo của PTSC M&C tại Vũng Tàu để thảo luận với ban lãnh đạo PTSC M&C về tiềm năng cung cấp trạm biến áp ngoài khơi cho các dự án của CIP tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Đây được xem là nền tảng để CIP mở rộng hợp tác quy mô toàn cầu bằng việc đưa PTSC M&C vào danh sách nhà cung cấp tiềm năng cho dự án tại Đài Loan, Nhật Bản và các thị trường khác.

Theo chia sẻ của bà Claire Lohan, CEO dự án Fengmiao, năng lực của PTSC M&C được đánh giá cao trong việc đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi. Dự án Fengmiao hiện chưa công bố tổng mức đầu tư nhưng cho biết tổng công suất thiết kế nằm trong khoảng 500 - 600 MW, dự kiến được khởi công trong năm 2025 và hoàn thành trong năm 2027. Đây được đánh giá là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn nhất khu vực châu Á.

Tiềm năng tăng trưởng lớn từ mảng điện gió ngoài khơi

Dự án Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Các dự án xây lắp M&C đang được Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí triển khai (tính đến cuối quý 2/2023). (Nguồn: VCBS)

Nhiều tổ chức tài chính đánh giá, mảng điện gió ngoài khơi đang mở ra động lực tăng trưởng mới với tiềm năng lớn trong trung và dài hạn đối với Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. Hiện nay, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã có công việc tới năm 2026 với các dự án Hải Long 2&3 và Greater Changhua (Đài Loan, Trung Quốc) và Baltica 2 (Ba Lan). Dù mới thâm nhập lĩnh vực này, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang có vị thế khá vững chắc trong khu vực nhờ loạt lợi thế.

Thứ nhất, số lượng đối thủ cạnh tranh trong ngành rất hạn chế; trong khi, uy tín và năng lực của công ty đã được khẳng định qua nhiều dự án trên thế giới.

Thứ hai, các nhà thầu M&C năng lượng hàng đầu tại Đông Á hiện không quá hào hứng vào việc tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo do đã sẵn khối lượng công việc lớn trong khi quy mô lợi nhuận mảng điện gió chưa đủ hấp dẫn.

Cuối cùng, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có lợi thế vượt trội về bãi cảng rất phù hợp cho mảng M&C điện gió trong khi các đối thủ cạnh tranh chính tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia không có bãi cảng, còn Thái Lan có bãi cảng nhưng quy mô nhỏ hơn đáng kể so với Việt Nam.

Giá cổ phiếu PVS Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "BVSC: Liên doanh Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) trúng gói thầu hơn 1 tỷ USD của dự án Lô B - Ô Môn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Với hệ thống cảng kết hợp nhà xưởng có diện tích lên đến hơn 200 ha, cùng cầu cảng dài 1.000m lớn nhất trong khu vực, các cảng khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là nơi Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí thực hiện gia công chế tạo chi tiết cho các dự án điện gió ngoài khơi. Tổng công ty cũng vừa đầu tư 6 nhà xưởng mới dùng trong thi công chân đế điện gió với công nghệ hiện đại hơn so với các đối thủ trong khu vực.

Hiện KBSV dự báo biên lợi nhuận mảng M&C điện gió của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ dần được cải thiện từ năm 2024 khi công ty tập trung tối ưu hóa kho bãi sau khoảng thời gian đầu hi sinh lợi nhuận để thâm nhập ngành.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 12/10, cổ phiếu PVS đạt 39.000 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu PVS đã tăng hơn 80%.

Quỳnh Trang