Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Vietcap, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của Công ty Cổ phần Tập đoàn GELEX (mã cổ phiếu GEX - sàn HoSE) sẽ tăng 14%, đạt 420 tỷ đồng chủ yếu do khoản lỗ đầu tư từ công ty mẹ của tập đoàn này giảm xuống.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của Tập đoàn GELEX trong năm 2024 được dự báo sẽ tăng vọt 86% so với năm 2023 khi hoạt động kinh doanh tại các công ty con thuộc tập đoàn hưởng lợi từ kế hoạch phát triển ngành điện của Chính phủ, nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng phục hồi, và mảng bất động sản tăng tốc.
Triển khai Quy hoạch điện VIII sẽ thúc đẩy nhu cầu về thiết bị điện
Để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng, Quy hoạch điện VIII8 đã được phê duyệt vào ngày 15/05/2023 với mục tiêu tăng hơn gấp đôi công suất điện của Việt Nam vào năm 2030. Trong đó, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu tăng gần gấp ba công suất năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) lên khoảng 50.000 MW vào năm 2030 so với năm 2020.
Mức tăng trưởng công suất điện này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Tập đoàn GELEX trong việc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết bị điện và mở rộng danh mục năng lượng tái tạo.
Quy hoạch điện VIII ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 135 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030. Trong đó, dự kiến 120 tỷ USD sẽ được dành cho phát điện và 15 tỷ USD cho truyền tải điện.
Theo Vietcap, ngành thiết bị điện và các công ty thiết bị điện của Tập đoàn GELEX có tiềm năng hưởng lợi từ các khoản đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào các dự án cơ sở hạ tầng truyền tải điện sắp tới.
Hiện tại, thông qua công ty con là Công ty Cổ phần Điện lực Gelex (mã cổ phiếu GEE), Tập đoàn GELEX đang sở hữu, điều hành loạt thương hiệu thiết bị điện nổi tiếng tại Việt Nam như: CTCP Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI, mã cổ phiếu CAV), CTCP Thiết bị Điện (THIBIDI), CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (mã cổ phiếu HEM), TCT CP Thiết bị Điện Đông Anh (mã cổ phiếu TBD), CTCP Sản xuất Thiết bị Điện Đông Anh (MEE)…
Đáng chú ý, với việc Dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) có tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng sắp được khởi công thời gian tới, nhu cầu về máy biến áp cao áp sẽ tăn lên đáng kể, tạo tiềm năng đơn hàng lớn cho TCT CP Thiết bị Điện Đông Anh và CTCP Sản xuất Thiết bị Điện Đông Anh. Trong đó, TCT CP Thiết bị Điện Đông Anh là một trong những đơn vị sản xuất máy biến áp truyền tải hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Tính đến cuối quý 2/2023, Tập đoàn GELEX đang nắm giữ 51% cổ phần của CTCP Sản xuất Thiết bị Điện Đông Anh và 23% TCT CP Thiết bị Điện Đông Anh.
Nhu cầu thiết bị điện và vật liệu xây dựng tăng tốc khi bất động sản phục hồi
Thị trường nhà ở và hoạt động xây dựng chững lại trong quý 4/2022, chủ yếu do lãi suất điều hành tăng trong quý 3/2022 và những hạn chế về nguồn vốn khi các ngân hàng chạm trần hạn mức tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chững lại.
Tuy nhiên, với các chính sách quyết liệt của Chính phủ và lãi suất đang giảm rõ rệt, Vietcap nhận định lĩnh vực bất động sản sẽ dần phục hồi từ nửa cuối năm 2023, kéo theo đó các hoạt động xây dựng phục hồi kể từ nửa đầu năm 2024. Đà phục hồi này sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng trên thị trường bất động sản nhà ở, thiết bị điện và vật liệu xây dựng. Trong đó, nhu cầu về thiết bị điện và vật liệu xây dựng sẽ bắt đầu tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024.
Trong trung hạn, lĩnh vực bất động sản và xây dựng của Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển, theo Vietcap. Dữ liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, tốc độ (CAGR) đô thị hóa của Việt Nam là 3,1% trong giai đoạn 2010 - 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng với tốc độ CAGR là 2,4% trong giai đoạn 2019 - 2026, là một trong những quốc gia có tốc độ này cao nhất tại Đông Nam Á. Ngoài ra, hãng tư vấn thị trường Savills Research ước tính nhu cầu nhà ở mới của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1 triệu căn vào năm giai đoạn 2023 - 2025.
Sự tăng tốc trở lại của lĩnh vực nhà ở tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ là cú hích lớn cho nhu cầu về thiết bị điện và vật liệu xây dựng.
Bên cạnh loạt công ty sản xuất, kinh doanh thiết bị điện nổi tiếng, Tập đoàn GELEX còn đang nắm giữ 50,2% vốn điều lệ Tổng Công ty Viglacera (mã cổ phiếuVGC) - công ty đầu ngành lĩnh vực vật liệu xây dựng của Việt Nam.
Viglacera sản xuất đa dạng các sản phẩm vật liệu xây dựng; trong đó: kính xây dựng (chiếm 30% thị trường nội địa); thiết bị vệ sinh (chiếm 10% thị phần); gạch ốp lát (chiếm 3% thị phần); và gạch xây dựng (chiếm 50% thị phần). Tính đến năm 2021, Viglacera nằm trong số 22 nhà sản xuất gạch ceramic hàng đầu trên toàn cầu, theo Ceramic World Review.
Với vị thế đầu ngành, Viglacera đang sở hữu nhiều lợi thế để mở rộng sản xuất kinh doanh khi nhu cầu vật liệu xây dựng trong nước hồi phục trở lại.
Dịch chuyển sản xuất toàn cầu thúc đẩy nhu cầu khu công nghiệp
Ngoài mảng vật liệu xây dựng, Viglacera còn là đơn vị phát triển khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay với 12 khu công nghiệp đang hoạt động. Các khu công nghiệp này có tổng diện tích cho thuê lên tới 2.500 ha, trong đó có 65% đã được cho thuê (tính đến cuối năm 2023).
Nhờ vị trí địa lý chiến lược và việc phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hơn 200 tập đoàn lớn trên toàn cầu, như Samsung, Canon, Amkor, Orion và Sumitomo đang đặt các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp của Viglacera.
Do đó, Vietcap nhận định Viglacera sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng dịch chuyển của các nhà sản xuất toàn cầu sang Việt Nam. Sự dịch chuyển này chủ yếu được thúc đẩy bởi chi phí lao động thấp của Việt Nam, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các quyết định chiến lược của nhiều công ty quốc tế nhằm đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, bất chấp các lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, giải ngân vốn FDI vẫn đạt hơn 15,9 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chạm mức cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2023. Những số liệu thống kê khả quan này khẳng định niềm tin của chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các công ty đa quốc gia.
Một trong những lợi thế cạnh tranh đáng chú ý của Việt Nam là chi phí lao động sản xuất tương đối thấp, chỉ hơn một nửa so với Thái Lan và Malaysia và hơn 1/3 chi phí của Trung Quốc vào năm 2022.
Đồng thời, Việt Nam còn sở hữu số lượng FTA cao nhất Đông Nam Á, với 16 FTA được ký kết và có hiệu lực tính đến cuối quý 2/2023. Trong khi đó, Thái Lan có 15 FTA, Campuchia và Philippines mỗi nước có 10 FTA. Danh sách các FTA này càng nâng cao hơn nữa lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.
Ngoài ra, Việt Nam không ngừng phát triển cơ sở hạ tầng đường cao tốc nhằm cải thiện kết nối đường bộ, từ đó mang lại lợi ích cho việc phát triển khu công nghiệp.