“Điện đi trước một bước” tạo sự đổi thay mạnh mẽ

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tới nay có 90,1% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện, tăng tới 46,44% so với năm 2010 khi bắt đầu triển khai Chương trình.

Niềm vui trên những thôn, buôn

Buôn Xê Đăng, xã Ea Kueh là địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Cũng vì đặc thù xa xôi, cách trở nên tới năm 2017, điện lưới quốc gia mới được kéo tới nơi này, đánh thức sức sống nơi thôn buôn Tây Nguyên.

Anh Triệu Đức Tiến, người dân buôn Xê Đăng cho biết, trước đây, đất rẫy của gia đình bỏ không. Từ khi có nguồn điện ổn định, gia đình anh mới có thể kéo dây, lắp máy tưới nước, canh tác trồng hồ tiêu. Anh phấn khởi cho biết: "Hai năm nay, mỗi năm gia đình chúng tôi làm ăn dành dụm để ra được hơn 100 triệu, mừng lắm. Có điện rồi, mọi sinh hoạt gia đình cũng tiện. Rồi có tivi, cả nhà xem thời sự, con cái học hành buổi tối được"...

Điện về thôn, buôn còn thắp lên những tri thức, hy vọng. Thầy Mai Văn Chinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự trọng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhờ có điện ổn định, nên Nhà trường đã mạnh dạn đầu tư máy chiếu, máy tính để phục vụ công tác giảng dạy. Cùng đó, đời sống người dân khá lên, nên đã không còn hiện tượng các em học sinh bỏ học.

"Điện, đường, trường, trạm" là hệ thống hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống người dân. Trong suốt chặng đường cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, đóng góp hiệu quả trong Chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn. Thực tế cho thấy, từ 2010 tới nay, tăng trưởng điện cung cấp cho nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 22% mỗi năm.

Tại Hội nghị Tổng kết chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã khẳng định, "điện đi trước một bước" đã tạo động lực xóa đói giảm nghèo và đóng góp vào sự phát triển bền vững cho các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo; Điện cũng giúp cho các làng nghề truyền thống sử dụng máy móc thay thế sức người, phát huy sản phẩm cổ truyền và mở rộng ngành nghề mới.

Tại các xã đảo, huyện đảo, EVN đã đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục để ngư dân yên tâm bám biển và phát triển kinh tế biển đảo, góp phần bảo vệ an ninh chính trị và chủ quyền đất nước. Không chỉ cung ứng đủ điện, EVN cũng đã đưa dịch vụ khách hàng trực tuyến cấp độ 4 tới mọi người dân trên cả nước, cũng như người dân nông thôn.

EVN "vào cuộc" như thế nào?

Để có thể đảm bảo nguồn điện ổn định, liên tục, đáp ứng đủ, kịp thời phù hợp với yêu cầu của tiêu chí số 4 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, EVN đã phải vượt qua không ít khó khăn thách thức. Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, EVN đã bám sát mục tiêu của Chương trình và các địa phương, huy động các nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều chương trình phát triển hạ tầng cung cấp điện cho khu vực nông thôn.

EVN đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau (vốn vay ODA, vốn ngân sách nhà nước, vốn vay thương mại, vốn tự có của EVN...) để đẩy mạnh đầu tư xây dựng mới và cải tạo hệ thống điện khu vực nông thôn; đưa điện về các xã và các hộ dân chưa có điện, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và khu vực hải đảo.

Hàng năm, EVN bố trí kế hoạch đầu tư xây dựng cải tạo lưới điện và sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên lưới điện, kết hợp với các nguồn vốn vay, vốn ngân sách nhà nước được cấp để hoàn thiện lưới điện tại các xã, huyện trong kế hoạch xây dựng đạt tiêu chuẩn nông thôn mới của Chương trình.

Cùng với đó, EVN đã phối hợp vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện tiêu chí số 4 của nông thôn mới về điện bằng các công việc cụ thể như đóng góp phần đền bù, tự giải phóng mặt bằng khi đầu tư xây dựng các công trình điện, tham gia thực hiện bảo vệ hành lang lưới điện và các công trình điện; đầu tư hệ thống điện gia đình đảm bảo sử dụng điện an toàn, hiệu quả.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, EVN đẩy mạnh công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức quản lý điện địa phương không đủ năng lực quản lý, cung cấp điện tới các hộ dân nông thôn. Qua đó, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt chất lượng, an toàn, ổn định, và các hộ sử dụng điện ở nông thôn được mua điện theo giá bán điện do Chính phủ quy định và được trực tiếp sử dụng các dịch vụ khách hàng của EVN.

Theo đó, từ năm 2008 đến cuối năm 2020, EVN đã thực hiện Chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn hơn 6.000 xã. Do đặc điểm lưới điện hạ áp nông thôn không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo chất lượng cung cấp điện, vì vậy sau khi tiếp nhận, EVN đã phải bố trí bình quân mỗi xã đầu tư 5-10 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp lưới điện.

Trên hành trình "Thắp sáng Tổ quốc nơi đầu sóng", EVN đã tiếp nhận lưới điện, đầu tư hạ tầng, quản lý và bán điện tại 11/12 huyện đảo. Rất nhiều khó khăn trong quá trình thi công, vận hành lưới điện nơi trùng khơi, tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao nhất, EVN đã đảm bảo nguồn sáng ổn định. Từ khi tiếp nhận bán điện trực tiếp, hàng năm, EVN đã bù lỗ gần 200 tỷ đồng cho các huyện đảo, xã đảo sử dụng nguồn điện Diesel tại chỗ do giá thành sản xuất điện cao hơn rất nhiều so với giá bán điện đến các hộ dân.

Trong thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới điện nông thôn, giữ vững tiêu chí số 4 của các xã đã hoàn thành. Cùng với các Bộ, ban, ngành, địa phương, EVN sẽ ra sức thực hiện phong trào thi đua "ngành Công Thương chung sức xây dựng nông thôn mới", phấn đấu đến hết năm 2021, cả nước sẽ có 92,5% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 4, tăng 4% so với đầu năm 2021.

Đến nay, đã có 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 100% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

M.Hạnh