Điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường

Giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, gồm 2 cơ chế là điều chỉnh trong năm và điều chỉnh hàng năm.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Tuệ Quang trả lời báo chí tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 30/9/2021
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Tuệ Quang trả lời báo chí tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 30/9/2021

Theo ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, công tác điều hành giá bán điện thời gian qua đã được thực hiện theo đúng quy định tại Luật Điện lực; các Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 5 năm 2016-2020, Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Thực hiện các cơ chế này đã giúp cho việc điều hành giá điện ngày càng minh bạch.   

Giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Trong đó có 2 cơ chế là điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm và điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm. 

Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan của các thông số đầu vào sản xuất kinh doanh điện của tất cả các khâu trong ngành điện, bao gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, quản lý ngành. 

Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trong năm theo biến động của các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện

Trong thời gian qua, giá bán điện bình quân được thực hiện điều chỉnh theo đúng các quy định hiện hành, góp phần đảm bảo tài chính cho ngành điện để đầu tư, phát triển các công trình điện đáp ứng cung cấp nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối với năm 2021-2022, thực hiện Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành điện theo dõi sát nhu cầu phụ tải hệ thống điện, bám sát tình hình thực tế và các thông số đầu vào sản xuất kinh doanh điện để thực hiện giá điện theo các quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán điện hiện hành.

Trong 2 năm 2020 và 2021, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ đã thực hiện 5 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện đối với nhiều đối tượng khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bao gồm người dân, doanh nghiệp và các cơ sở cách ly y tế, cơ sở điều trị Covid-19. Theo ước tính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt lên tới 16.950 tỷ đồng.

Trước một số thắc mắc liên quan đến việc triển khai thêm các chính sách giảm giá điện trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định trong bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp, gây ra nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Công Thương vẫn đang và sẽ tiếp tục làm việc với EVN cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để nghiên cứu và đề xuất phương án nếu có. 

Thy Thảo