Dòng điện sáng trên dòng Sêrêpốk

Sêrêpôk (tên gọi trong tiếng Khmer là Tonlé Srepok), là phụ lưu quan trọng của sông Mekong. Sông bắt nguồn từ vùng đất tỉnh Đắk Lắk, rồi Đắk Nông của Việt Nam, và chảy qua tỉnh Mundulkiri, Campuchia. Không chỉ mang về phù sa tôm cá, những người thợ điện Việt Nam đã chinh phục lòng sông để mang về dòng điện sáng để phát triển kinh tế đất nước và địa phương.

Nguồn điện sáng cho phát triển kinh tế

Sêrêpôk có chiều dài lên đến 406km, trải dài với những thác ghềnh hùng vĩ và còn rất hoang sơ. Vì dòng sông hợp lưu từ 2 dòng (một bên chảy xiết đục ngầu, một bên trong vắt, hiền hòa), người dân nơi đây gọi bằng cái tên thân thương sông bố (Krông Nô) và sông mẹ (Krông Ana). Từ thượng nguồn chảy đến huyện Krông Ana, Đăk Lăk, 2 dòng hợp lưu tạo thành Srêpôk ngày nay. Sêrêpôk không chỉ được mẹ thiên nhiên ưu ái với vẻ đẹp hùng vĩ, nơi đây còn sở hữu nhiều công trình thủy điện lớn, nhỏ.

Trên lưu vực sông Sêrêpốk, ngoài các công trình thủy điện nhỏ khác, có 3 công trình thủy điện lớn là Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpốk 3. Các nhà máy này do Công ty Thủy điện Buôn Kuốp quản lý, vận hành với tổng công suất 586 MW. Riêng nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp có công suất 280 MW, dung tích hồ chứa 14,7 triệu m3, vận hành điều tiết theo ngày.

Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah
Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah

Là công trình có quy mô lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk với công suất lắp máy 280MW, sản lượng điện hàng năm 1,2 tỷ kWh, tổng mức vốn đầu tư khoảng 4,616 tỷ đồng, Dự án Thủy điện Buôn Kuốp gồm có tuyến đầu nối với đập chính và đập tràn bố trí trên sông Sêrêpốk; tuyến năng lượng với cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, tháp điều áp, đường ống áp lực, Nhà máy – kênh dẫn và trạm phân phối điện ngoài trời 220/110 kV.

Với lợi thế đội ngũ kỹ sư và công nhân của công ty lành nghề, có thâm niên trong ngành nên Công ty Thủy điện Buôn Kuốp luôn nắm rõ tình trạng thiết bị qua hơn 13 năm quản lý vận hành các nhà máy. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của ban lãnh đạo và sự đoàn kết, quyết tâm của tập thể cán bộ công nhân viên nên công tác quản trị, quản lý vận hành các nhà máy điện luôn được giữ vững.

Song song với đó, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cũng như hệ số khả dụng, tỉ lệ điện tự dùng, tỉ lệ ngừng máy do sự cố, tỉ lệ ngừng máy bảo dưỡng, doanh thu đều đạt kế hoạch được giao. Công ty cũng đáp ứng tốt huy động của Điều độ hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho hệ thống điện quốc gia trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2022 và sẵn sàng khai thác cao trong các tháng mùa mưa sắp đến.

Lực lượng vận hành NMTĐ Buôn Kuốp trực 24/24 đảm bảo công tác sản xuất điện
Lực lượng vận hành NMTĐ Buôn Kuốp trực 24/24 đảm bảo công tác sản xuất điện

Cụ thể, tính đến hết tháng 7 năm 2022, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã vận hành an toàn, ổn định, đáp ứng tốt theo huy động của Trung Tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, đảm bảo sản lượng điện sản xuất và nhu cầu cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp hạ du của các nhà máy do Công ty quản lý. Tổng sản lượng các nhà máy thủy điện của Công ty đến hết tháng 7 năm 2022 đạt khoảng 1,49 tỷ kWh, đạt 56,22 % kế hoạch sản xuất năm 2022.

Làm tốt vai trò của dự án thủy điện đa mục tiêu

Không những tạo nguồn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, công trình này còn điều hòa nguồn nước, cấp nước tạo nguồn cho hạ du công trình, phục vụ tưới tiêu cho hơn 100.000ha đất nông nghiệp của tỉnh, tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản...

Công ty cũng luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp của 02 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để kịp thời nắm bắt các thông tin, kế hoạch nhu cầu cấp nước sinh hoạt cũng như cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương để kiến nghị Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia huy động các tổ máy phát điện nhằm đảm bảo nhu cầu cấp nước của địa phương. Đồng thời, tham gia vào hoạt động điều tiết lũ và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Đập thủy điện Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp
Đập thủy điện Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp

 

Cụ thể, để phối hợp trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, từ năm 2016, công ty đã xây dựng website cung cấp thông số vận hành hồ chứa theo thời gian thực (http://buonkuop.vn:2016/pclb) để các cơ quan chức năng và nhân dân theo dõi và nắm bắt kịp thời các thông tin thủy văn hồ chứa và tình hình vận hành chạy máy.

Công ty cũng đồng thời lắp đặt 23 trạm cảnh báo xa dùng sóng di động ở vùng hạ du (Buôn Tua Srah: 13 trạm, Buôn Kuốp: 10 trạm) nhằm thông báo đến chính quyền và nhân dân vùng hạ du khi NMTĐ Buôn Tua Srah và Buôn Kuốp chạy máy phát điện cũng như vận hành điều tiết lũ để nhân nhân vùng hạ du chủ động nắm bắt kịp thời. Ngoài ra, Công ty đã thành lập các nhóm Zalo cho khu vực 03 hồ chứa để thông báo, trao đổi và cung cấp thông tin kịp thời, nhanh chóng giữa các bên liên quan nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác ứng phó khi có bão lụt, mưa lũ.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia nhận định về xu thế khí tượng thủy văn từ tháng 8 đến hết năm 2022 thì tình hình khí tượng thủy văn sẽ có những diễn biến phức tạp. Dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 9-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 04-06 cơn, ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đối với khu vực Tây Nguyên từ tháng 9 đến tháng 12 có khả năng xuất hiện 2-3 cơn lũ lớn. Nguy cơ bão dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.

Trạm đo mưa tự động được lắp đặt tại Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah
Trạm đo mưa tự động được lắp đặt tại Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah

Để chủ động ứng phó trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ngay trước mùa mưa bão năm 2022, Công ty đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Công ty và thành lập các đội xung kích PCLB tại các nhà máy. Đồng thời thực hiện kiểm thử mở/đóng cửa van cung; Tổng kiểm tra các công trình hồ đập, nhà máy trước mùa mưa lũ; Kiểm tra và trang bị đầy đủ vật tư phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Công ty cũng tổ chức diễn tập xả lũ cấp Công ty để năng cao kỹ năng phối hợp, điều khiển vận hành xả nước điều tiết giảm lũ, thông báo, cảnh báo cho chính quyền, người dân địa phương, xử lý ứng phó các tình huống bất thường/khẩn cấp trong Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các Phân xưởng.

Thêm nữa, Thủy điện Buôn Kuốp đã chủ động phối hợp với Ban chỉ huy 02 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và các cấp ở địa phương kiểm tra hành lang thoát lũ hạ lưu các nhà máy nhắc nhở người dân chủ động theo dõi thông tin, tình hình vận hành các hồ chứa, thu hoạch, di dời vật nuôi, nông sản, tài sản hạn chế thiệt hại ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Các Phân xưởng vận hành của các nhà máy còn tổ chức học tập, phổ biến các quy trình vận hành liên hồ chứa và đơn hồ cho toàn thể nhân viên vận hành, thực hiện diễn tập xả lũ cấp phân xưởng để nâng cao kỹ năng thực tiễn thao tác vận hành, phối hợp điều khiển xả nước giảm lũ cho tất cả nhân viên.

Nhằm chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Công ty đã lắp đặt 23 trạm đo mưa và 7 trạm đo mực nước trên lưu vực các hồ chứa nhằm quan trắc, thu thập dữ liệu mưa, mực nước để cung cấp cho phần mềm dự báo lưu lượng nước về cho các hồ chứa dựa trên (ứng dụng công nghệ AI).

Cùng với các biện pháp được đưa ra, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cũng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk trong việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng của các hạng mục công trình như đập dâng, công trình xả lũ, cửa nhận nước... để khắc phục kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết; theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với cơ quan chức năng để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình; đồng thời, tăng cường cảnh báo đến nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả nước điều tiết qua tràn giảm lũ.

Trên dòng Sêrêpốk  - dòng sông "chảy ngược" đại ngàn cao nguyên, dưới bàn tay và trí óc con người, từng dòng điện sáng đã được sản sinh. Dưới bàn tay và khối óc con người, con sông hùng vĩ cũng đã làm tốt bài toán ngăn lũ và bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp, giữ bình yên và ấm no cho bản làng bazan đất đỏ.

Đức Huy