Đồng hành cùng mục tiêu phát triển của Bình Phước

Bộ trưởng Công Thương và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã thống nhất xây dựng Chương trình phối hợp công tác giữa hai bên về Thúc đẩy các hoạt động đầu tư và thương mại trên địa bàn tỉnh.
bo truong
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc

 

Mục tiêu tự cân đối ngân sách

Báo cáo trước đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu, cả Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Trăm, Phó Chủ tịch UBND Huỳnh Thị Hằng đều bày tỏ mục tiêu tạo ra bước đột phá về công nghiệp, thương mại để đến năm 2020 Bình Phước tự cân đối được ngân sách, như lời khích lệ, động viên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lần Thủ tướng chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Bình Phước, tháng 8 năm ngoái.

Mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở, khi năm 2018 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 8.279 tỷ đồng, vượt tới 60% dự toán Bộ Tài chính giao. Trên cán cân, tổng thu đã đạt 80% so với tổng chi. Tức là trong 2 năm 2019, 2020 phải “san bằng” con số 20% còn thiếu hụt này, liệu Bình Phước có làm được không?

Nói về tiềm năng, có thể nói là “được” khi Bình Phước có nhiều yếu tố thuộc về thiên thời, địa lợi rất đặc thù như có kinh tế cửa khẩu, có cây công nghiệp công nghiệp chủ lực (hạt tiêu, hạt điều, cao su), có công nghiệp chế biến, có tài nguyên khoáng sản. Nói về nền tảng, năm 2018 và quý I năm nay, tăng trưởng sản xuất công nghiệp và tiêu dùng đều tăng trên mức bình quân cả nước. Xuất khẩu hiện đứng thứ 19 cả nước. Đặc biệt thu hút đầu tư rất khởi sắc. Năm 2018, thu hút đầu tư trong nước được 187 dự án, với số vốn đăng ký 17.859 tỷ đồng, tăng 18% số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký; thu hút đầu tư vốn nước ngoài (FDI) được 34 dự án với số vốn đăng ký 459,5 triệu USD, tăng 54,5% về số dự án và tăng hơn 3 lần về số vốn đăng ký. Tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 81%, dẫn đầu cả nước.

bi thu tinh uy
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi

 

Tuy nhiên, nói như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, và Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Trăm, tái cơ cấu ngành công nghiệp trong thời gian qua đạt thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển tính liên kết trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm hỗ trợ trên địa bàn tỉnh phục vụ sản xuất chính không đáng kể, hiện nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng ngành công nghiệp và năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghiệp chế biến của tỉnh còn thấp, sản phẩm sản xuất chủ yếu là sơ chế, sản phẩm chế biến sâu có hàm lượng công nghệ cao còn ít. Hoạt động thương mại có phát triển nhưng còn gặp khó khăn về liên kết sản xuất và tiêu thụ, phát triển thương mại điện tử, việc đầu tư, cải tạo chợ truyền thống chưa đạt hiệu quả; cần có những hướng dẫn nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến quá trình chuyển đổi mô hình chợ.

Mặt khác, các thị trường nhập khẩu lớn hiện nay quy định nghiêm ngặt đối với các sản phẩm sản phẩm chủ lực của tỉnh như: điều, cao su, tiêu đã ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Vì vậy, phải có bước đột phá về công nghiệp và thương mại mới có thể biến mục tiêu tự cân đối được ngân sách vào năm 2020 của Bình Phước thành hiện thực.

pho chu tich
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Thị Hằng

 

Chương trình phối hợp Bộ Công Thương - Tỉnh Bình Phước

Đánh giá cao hướng đi đúng của tỉnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ của Bình Phước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, từ tiềm năng thế mạnh của tỉnh, phải tạo ra được một nền tảng là môi trường kinh doanh, để mọi người dân, mọi thành phần kinh tế đều có thể và sẵn lòng trở thành nguồn lực cho phát triển.

Trên cơ sở đề xuất của tỉnh, ý kiến đóng góp của các đơn vị tham mưu thuộc Bộ, Bộ trưởng Công Thương và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã thống nhất xây dựng Chương trình phối hợp công tác giữa hai bên về Thúc đẩy các hoạt động đầu tư và thương mại trên địa bàn tỉnh. Ngay tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ:

  • Cục Công nghiệp: Làm việc với Sở Công Thương tỉnh, rà soát phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, khai thác được thế mạnh địa phương; gắn với hội nhập nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA để đón các dòng đầu tư vào công nghiệp chế biến gỗ, điện tử, dệt may, da giày… và cả những ngành công nghiệp mới như chế tạo thiết bị cho năng lượng tái tạo;
  • Cục Công Thương địa phương: Bàn với địa phương kế hoạch phát triển cụm công nghiệp, hoàn thiện hạ tầng KCN, nhất là với chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ cho dệt may, da giày;
  • Vụ Thị trường trong nước: Bàn với địa phương về phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, trong đó chú ý tới đa dạng nguồn lực đầu tư; phối hợp với với vụ thị trường nước ngoài để tham mưu báo cáo Chính phủ nâng cấp cặp chợ ở cửa khẩu;
  • Cục XNK: Định hướng chuỗi giá trị, xây dựng giá trị thương hiệu của cây công nghiệp gắn với phát triển thị trường nước ngoài của 3 sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm hạt tiêu, nhân điều, cao su; đồng thời đưa vào chương trình làm việc của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Hàn Quốc về phát triển công nghiệp hỗ trợ sử dụng cao su; đưa vào chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Bộ Năng lượng CHLB Đức trong hợp tác chuyển giao công nghệ của Siemens trong chế tạo thiết bị cho năng lượng tái tạo;
  • Cục XTTM: Xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu, phát triển thị trường cao su, nhân điều, hạt tiêu bền vững; định hướng tạo nền tảng để các doanh nghiệp dễ dàng tham gia;
  • Vụ Tổ chức cán bộ: Phối hợp với các trường đào tạo xây dựng nội dung, chương trình nâng cao năng lực thể chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp địa phương;
  • Cục Điện lực: Tiếp thu ý kiến địa phương, báo cáo lên lãnh đạo Bộ để báo cáo Chính phủ xử lý những vướng mắc do Luật quy hoạch khi triển khai các dự án điện; tham mưu cho việc xã hội hóa nguồn lực vào các dự án năng lượng.

Để làm tốt các nhiệm vụ trên, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị được chỉ định làm đầu mối phải chủ động bàn kỹ với địa phương, theo hướng khai thác triệt để mọi nguồn lực và thế mạnh địa phương; với mục tiêu cao nhất: Hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư, từ đó tạo ra năng lực sản xuất mới, có sức đột phá và lan tỏa tới mọi thành phần kinh tế. Đồng thời, đa dạng háo các hình thức thương mại và đầu tư nhằm khai thác các sản phẩm thế mạnh trên địa bàn một cách hiệu quả và bền vững.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

cuc truong
Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài

 

cuc truong dien luc
Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phương Hoàng Kim

 

cục truong XNK
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh

 

vu truong tttn
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông
vu khdt
Vụ trưởng Vụ kế hoạch Dương Duy Hưng

 

vo quang lam
Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm

 

Nguyễn Văn - Thăng Long