9 vấn đề Cần Thơ đề xuất Bộ Công Thương

Tiếp chương trình làm việc tại Cần Thơ của đoàn Công tác Bộ Công Thương, chiều 21/3 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có cuộc trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm với lãnh đạo tỉnh Cần Thơ về 9 nội dung địa phương trăn trở đề xuất với ngành Công Thương.

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, năm 2018 các chỉ tiêu về công nghiệp, thương mại đều tăng trưởng so cùng kỳ, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,15%. Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 14,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 13,14, Cần Thơ có 6.350 cơ sở và 932 doanh nghiệp công nghiệp với 65 nghìn lao động; 23 dự án của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động với số vốn thực hiện hơn 256,33 triệu USD.

Tính riêng trong 02 tháng đầu năm 2019, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 5,32% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,22%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,67%...;

Điều làm đọng lại, trăn trở hơn cả, Cần Thơ là Thành phố trung tâm của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là vựa lúa gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, nhưng đến nay 13 tỉnh thành trong vùng chỉ có nguồn thu ngang với tỉnh Bình Dương. Làm thế nào để thành phố đầu tàu của ĐBSCL như Cần Thơ là động lực thúc đẩy, lan tỏa phát triển cho cả vùng?

Buổi làm việc của Bộ Công Thương, trực tiếp Bộ trưởng Trần Tuấn Anh muốn lắng nghe kiến nghị, rồi từ đó Bộ Công Thương cùng với địa phương tháo những “điểm nghẽn” đưa Cần Thơ về đúng vị thế của mình.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch Trương Quang Hoài Nam, đã đưa ra những trăn trở xoay quanh các vấn đề hội nhập hợp tác quốc tế, phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp nhẹ, Trung tâm điện lực Ô Môn, điện nông thôn, công tác xuất nhập khẩu trái cây đặc sản của địa phương, tổ chức quản lý thị trường theo ngành dọc, tăng cường hợp tác chống buôn lậu gian lận thương mại, vấn đề phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ... để từ đó Bộ Công Thương nắm bắt và có chương trình hành động cụ thể hỗ trợ, đồng hành cùng địa phương trong phát triển kinh tế.

Chia sẻ với địa phương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, mong muốn của Thành phố Cần Thơ là thiết thực, Bộ Công Thương sẽ lắng nghe, trao đổi và giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan chức năng của Bộ làm việc bổ sung thêm những thông tin cho địa phương  trong quá trình điều hành kinh tế - xã hội.

Đơn cử như kiến nghị của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống về xây dựng trung tâm thương mại Aeon từ tập đoàn Aeon Nhật Bản, để có thêm kênh phân phối hàng hoá nông, thủy sản, thuỷ sản của Cần Thơ và cả vùng. Lãnh đạo các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương cho rằng, Bộ đã có sự hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản như rau quả, trái cây và sẽ thực hiện được tại Cần Thơ. Bởi Nhật Bản là thành viên của Hiệp định CPTPP nên Việt Nam và Cần Thơ sẽ có nhiều lợi thế để phát triển trong thời gian tới. Hơn nữa Bộ Công Thương cũng có nhiều thông tin về các hệ thống thương mại, chuỗi bán hàng khác như Central Group Vietnam có thể giới thiệu về với Cần Thơ

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố Cần Thơ cũng đề nghị Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương hướng dẫn thành phố các thủ tục, các chính sách hỗ trợ để xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ công nghiệp hỗ trợ với quy mô cấp vùng tại thành phố Cần Thơ. Hỗ trợ thành phố Cần Thơ kêu gọi nhà đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ như: xây dựng nhà máy sản xuất máy chế biến nông nghiệp, nhà máy sản xuất động cơ thủy tại thành phố Cần Thơ. Đề nghị Bộ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án năng lượng tại Trung tâm điện lực Ô Môn.

Đặc biệt, Cần Thơ đề nghị Bộ Công Thương kêu gọi đầu tư Trung tâm logictics hạng 2 thuộc tiểu vùng kinh tế trung tâm vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ...

Ngoài ra, Cần Thơ có tiềm năng rất lớn về kinh tế nông nghiệp, những vùng sinh thái để phát triển du lịch cần phải được khai thác tương xứng. Giờ đây không chỉ Cần Thơ đi kêu gọi đầu tư, các đối tác là nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc rất muốn đến Cần Thơ để đầu tư, kết nối. Nhất là các ngành công nghiệp chế biến. Cần Thơ ở thời điểm hiện tại với kết cấu kinh tế đã thể hiện rõ vai trò thành phố động lực trung tâm của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều chương trình làm việc của Cục Công nghiệp từ thực tiễn của TP Cần Thơ để xác định yêu cầu, mục tiêu và tính khả thi để phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, đại diện các Cục, Vụ của Bộ Công Thương cũng đã tham gia nhiều ý kiến cho Cần Thơ trong việc khai thác tốt hơn khuôn khổ hội nhập, khai thác cơ hội thuận lợi từ các Hiệp định thương mại tự do để tăng xuất khẩu, gắn phát triển kinh tế Công Thương của thành phố trong định hướng phát triển của địa phương và của vùng ĐBSCL. Thành phố cũng cần tổ chức các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa cả vùng và khu vực; quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

 

Thăng Long