Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ công tác quản lý vận hành lưới truyền tải điện. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn quản lý trải rộng khắp cả nước, mức độ diễn biến dịch bệnh tại các địa phương khác nhau và các địa phương áp dụng các biện pháp cách ly, giãn cách cũng khác nhau.
Tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đồng thời đảm bảo vận hành và triển khai các dự án đầu tư mới, công trình sửa chữa lớn. Nhìn lại một năm đã qua, ông Nguyễn Tuấn Tùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV2.
PV: Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, xin ông cho biết những điểm nổi bật của EVNNPT trong năm vừa qua là gì?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng đã hoàn thành rất nhiều chỉ tiêu, mục tiêu trong năm. Công tác đảm bảo vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện, giảm sự cố đã có những bước tiến khả quan. Sự cố đã giảm được trên 30 % so với cùng kỳ.
Công tác đầu tư xây dựng phục vụ cho truyền tải điện giữa các vùng miền vẫn được triển khai theo kế hoạch và đảm bảo an toàn. Đặc biệt với mục tiêu phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 thì Tổng công ty vẫn đang đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư xây dựng để cố gắng hoàn thành những mục tiêu trọng tâm.
PV: Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, vậy các phương án của EVNNPT là gì để tiếp tục vận hành và sản xuất trong năm tới? Đặc biệt theo dự báo của EVN là có khả năng thiếu điện ở miền Bắc.
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Mặc dù trong giai đoạn trước, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư xây dựng nhưng sau khi có chủ trương thích ứng linh hoạt thì Tổng công ty đã tích cực triển khai công tác phòng ngừa và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hạn chế tối thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đến công tác quản lý vận hành cũng như đầu tư xây dựng.
Các dự án triển khai để đảm bảo cung cấp điện cho năm 2022 đặc biệt được ưu tiên triển khai. Tất cả những khó khăn, vướng mắc liên quan đến ảnh hưởng của dịch đã được giải quyết. Tổng công ty đã tổ chức triển khai, cử các lực lượng làm việc với các địa phương, các cơ quan liên quan, Bộ, ngành để giải quyết những vấn đề về thủ tục.
Công tác giải phóng mặt bằng vẫn được triển khai, phối hợp với địa phương, mặc dù các địa phương có xảy ra dịch bệnh và giãn cách. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với công tác phối hợp từ giai đoạn cuối năm 2021 và các năm sau tôi đánh giá là sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công tác đầu tư xây dựng và triển khai phối hợp với các địa phương cũng như các đơn vị, nhà thầu có liên quan để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, đảm bảo cung cấp điện và giải tỏa nguồn điện từ các nhà máy điện về trung tâm phụ tải, góp phần cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
PV: Trong tình hình dịch bệnh lại càng nhìn thấy sự chuyển mình của nhiều doanh nghiệp. Vậy chuyển đổi số của EVNNPT trong năm qua được triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Với chủ trương ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai mạnh công tác chuyển đổi số thì Tổng công ty đã đạt được rất nhiều kết quả, thành tựu. Việc đầu tiên là nhận thức của cán bộ, công nhân viên trong ứng dụng khoa học công nghệ. Công tác chuyển đổi số đã được triển khai sâu rộng trong toàn bộ nhân viên. Nhận thức từ công tác quản lý vận hành đến đầu tư xây dựng ở mọi cấp, mọi đơn vị thuộc Tổng công ty trải dài trên cả nước đều được tham dự và đã có những ý kiến, nhận thức rõ về ảnh hưởng và tác dụng của chuyển đổi số.
Về mặt quản lý vận hành, Tổng công ty đã triển khai được rất nhiều các dự án, thử nghiệm triển khai trong quản lý vận hành trạm biến áp, đường dây. Mục tiêu là tăng năng suất lao động, hỗ trợ CBCNV giảm bớt khối lượng công, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đối với đầu tư xây dựng thì Tổng công ty đã áp dụng chuyển đổi số trong công tác giám sát, thiết kế, cũng như là nghiệm thu. Công tác kiểm soát vật tư thiết bị trong đầu tư xây dựng đã được ứng dụng chuyển đổi số rất nhiều.
Vì vậy, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp trong năm vừa qua, ở Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia mọi công tác vẫn được thực hiện và kiểm soát thông qua hệ thống số hóa.
PV: Với việc triển khai chuyển đổi như vậy đã giúp cho EVNNPT thay đổi như thế nào về phương thức quản lý cũng như là diện mạo doanh nghiệp để tiếp cận nền kinh tế số, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Chuyển đổi số trong Tổng công ty đã có thay đổi nhất định về văn hóa giao tiếp, phương thức làm việc. Đặc biệt, trong điều kiện làm việc từ xa, Tổng công ty vẫn đáp ứng được tất cả nhiệm vụ được giao và CBCNV đảm bảo công tác phòng, chống dịch, hoàn thành được nhiệm vụ.
Ngoài ra, CBCNV đã thay đổi trong nhận thức về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để giảm các thủ tục, giấy tờ mà vẫn đảm bảo công việc.
Đối với công tác quản lý vận hành ở trạm và đường dây thì lực lượng quản lý trực tiếp đã được giảm đáng kể. Theo thống kê, có thể giảm được từ 20% - 30% nhân lực. Ứng dụng khoa học công nghệ, thiết bị số để giảm lao động nhân công và như vậy sẽ tăng năng suất lao động trong Tổng công ty. Đấy là điều có thể nhận thấy trực tiếp hiệu quả của ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý vận hành.
Trong đầu tư thì chúng tôi cũng đã sử dụng công nghệ GIS, phần mềm kiểm soát vật tư, thiết bị, đảm bảo được tính minh bạch.
Về tổng thể thì tôi đánh giá, năm nay là năm chuyển đổi số trong Tổng công ty cũng như trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, đặc biệt công tác ứng dụng khoa học công nghệ. Đây là một chiến lược dài hạn, trước mắt là đến năm 2025, chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!