FED quyết tâm nâng lãi suất cao gấp đôi thường lệ nhằm kiềm chế lạm phát tại Hoa Kỳ

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell vừa khẳng định quyết tâm nâng lãi suất cao hơn gấp đôi thường lệ nhằm kiềm chế lạm phát tại Hoa Kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tại Hoa Kỳ đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.
Chủ tịch FED Jerome Powell
Ông Jerome Powell nhấn mạnh mục tiêu của FED là kiềm chế lạm phát mà không đẩy Hoa Kỳ rơi vào một đợt suy thoái kinh tế mới (Ảnh: CNBC)

Trong phiên thảo luận do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 21/4 (theo giờ Hoa Kỳ), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell cho biết việc tăng lãi suất nhanh hơn so với thường lệ là phù hợp với tình hình hiện tại. Mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản sẽ được FED xem xét trong phiên họp chính sách định kỳ từ ngày 3-4/5 tới đây.

Ông Jerome Powell nhấn mạnh mục tiêu của FED là sử dụng các công cụ của mình để đưa nguồn cung và nhu cầu trở lại đồng bộ với nhau, củng cố thị trường lao động trong dài hạn cũng như giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào một đợt suy thoái kinh tế mới.

Tuyên bố của ông Jerome Powell tương ứng với nhận định của giới quan sát với kỳ vọng FED sẽ bỏ qua việc tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản như thường lệ và nâng lãi suất cơ bản ở mức cao hơn để kiềm chế lạm phát tại Hoa Kỳ vốn đang có mức tăng cao nhất kể từ năm 1981.

Một số thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Hoa Kỳ (FOMC) - ban điều hành của FED về lãi suất, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tang lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Khảo sát cho thấy các tổ chức tài chính lớn nhận định FED sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong ba cuộc họp chính sách định kỳ tiếp theo.  

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, lạm phát gia tăng mạnh khiến thu nhập của người dân tại Hoa Kỳ không thể theo kịp chi phí sinh hoạt. Mức thu nhập thực tế theo giờ trung bình của người lao động tại Hoa Kỳ đã giảm 0,8% trong tháng qua. FED nhận định xung đột quân sự Nga - Ukraine sẽ tạo ra những bất ổn kinh tế mới đối với Hoa Kỳ cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục rơi vào tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng trong bối cảnh Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược “Không ca nhiễm Covid” (Zero-Covid). Hiện gần 400 triệu người ở 45 thành phố của Trung Quốc đang bị phong toả một phần hoặc hoàn toàn và nhiều nhà máy tại nước này phải ngưng hoạt động.

"Những sản phẩm mà chúng ta sử dụng trên khắp thế giới được sản xuất, hoặc có thành phần được sản xuất ở Trung Quốc. Chúng ta đang chuẩn bị chứng kiến cơn bão hậu cần có thể nhấn chìm mọi thứ như hồi năm 2020 và 2021", ông Richard Martin – giám đốc điều hành IMA Asia cảnh báo.

Duy Quang