Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết bất chấp tình trạng gián đoạn do dịch Covid-19, thương mại hàng hóa đã phục hồi khá nhanh nhờ hình thức làm việc từ xa. Theo IMF, sự phục hồi này cho thấy khả năng thích ứng và sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế, IMF nhận định việc “hồi hương” hoạt động sản xuất về đất nước ban đầu của doanh nghiệp (reshoring) có thể là sai lầm.
Dưới tác động của các xung đột kinh tế giữa các nền kinh tế lớn và sự bùng phát của đại dịch Covid-19, xu hướng “hồi hương” hoạt động sản xuất đã nổi lên như là một giải pháp nhằm giảm thiểu mức độ phân tán, giảm mức độ phụ thuộc vào các nhà sản xuất tại nước ngoài, hạn chế rủi ro rò rỉ bí mật công nghệ và rút ngắn khoảng cách của chuỗi giá trị sản xuất.
IMF cho rằng xu hướng “hồi hương” hoạt động sản xuất có thể khiến các công ty dễ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng hơn, điển hình là tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine. Thay vào đó, IMF khuyến nghị sự ổn định của chuỗi cung ứng trước các cú sốc sẽ được tạo lập tốt hơn bằng cách tăng cường đa dạng hóa nguồn cung.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm các hàng rào thương mại và những biện pháp ở cấp độ doanh nghiệp như đảm bảo các sản phẩm có thể sử dụng đầu vào từ nhiều nhà cung cấp sẽ giúp tăng cường tính linh hoạt, giúp các công ty tránh được những sự gián đoạn tương tự trong tương lai.
IMF khẳng định: "Nâng cao sự ổn định của chuỗi cung ứng là yếu tố quan trọng để giải quyết không chỉ các trường hợp khẩn cấp về y tế như đại dịch Covid-19, mà còn cả các cú sốc khác như xung đột quân sự Nga – Ukraine, các cuộc tấn công mạng trực tuyến và thời tiết bất lợi.”
Tuy nhiên, IMF cũng cho biết việc nâng cao tính đa dạng hoá sẽ giảm đáng kể thiệt hại kinh tế toàn cầu trong trường hợp gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng lại ít phát huy tác dụng hơn khi một cú sốc nào đó tác động đến tất cả các nền kinh tế cùng một lúc.