4 xu hướng mới
Xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc hoặc xu hướng Trung Quốc +1 là xu thế khách quan đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây khi các doanh nghiệp muốn tối đa hoá lợi nhuận, tối ưu hoá sản xuất và tận dụng sự phát triển của công nghệ. Đại dịch Covid-19 được xem là nhân tố kích thích giúp quá trình này diễn ra nhanh hơn nhằm phân tán và giảm thiểu rủi ro. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ kéo theo dịch chuyển đầu tư, di chuyển toàn bộ hoặc một phần các bộ phận sản xuất kinh doanh, qua đó định hình lại các chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian tới.
Hiện có 4 xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng nổi lên, gồm rút ngắn chuỗi (reshoring), đa dạng chuỗi (diversification), khu vực hóa chuỗi (regionalization), hoặc nhân rộng chuỗi (replication). Tùy vào mỗi nhóm ngành cụ thể và mức độ tự động hóa, số hóa, các chuỗi cung ứng sẽ phát triển theo các hướng khác nhau.
Thực tế đang cho thấy các công đoạn thượng nguồn (upstream), đặc biệt là trong các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ cao có xu hướng “hồi hương”, về đất nước ban đầu của doanh nghiệp (reshoring), qua đó giảm thiểu mức độ phân tán, các rủi ro bí mật công nghệ và rút ngắn khoảng cách của chuỗi giá trị sản xuất.
Dữ liệu của dự án Reshoring Initiative cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ trong lĩnh vực sản xuất chip, pin điện công nghệ cao và dược phẩm chuyển sản xuất về nước. Số việc làm mới được tạo ra tại Hoa Kỳ trong năm 2021 nhờ việc dịch chuyển sản xuất này ước tăng 38% so với năm 2020.
Theo Reshoring Initiative, 22% doanh nghiệp sản xuất Hoa Kỳ được hỏi có kế hoạch dịch chuyển sản xuất về nước, gần như tương đương với mức 24% doanh nghiệp được hỏi có dự định dịch chuyển sản xuất đến một địa điểm khác. Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) cũng ghi nhận xu thế tương tự.
Các nghiên cứu cho thấy mặc dù việc “hồi hương” sẽ khiến các doanh nghiệp phải chịu một số chi phí như chi phí nhân công, chi phí môi trường… cao hơn, nhưng những khoản này có thể được bù đắp lại nhờ việc tận dụng các ưu thế công nghệ mà các nền kinh tế phát triển sẵn có và hàng loạt chính sách hỗ trợ mới.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận thấy việc xây dựng các “nhà máy thông minh” với mức độ số hoá cao ở chính quốc gia của họ sẽ giúp gia tăng khả năng cạnh tranh về chi phí và linh hoạt hơn trong phát triển các sản phẩm mới. Điều này cũng đã xuất hiện ngay cả trong lĩnh vực dệt may vốn là ngành thâm dụng lao động với trường hợp các hãng thời trang cao cấp Burberry, Barbour và Mulberry dịch chuyển một phần sản xuất về Vương quốc Anh.
Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng với các công đoạn thượng nguồn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn FDI toàn cầu, đặc biệt ảnh hưởng đến các nền kinh tế định hướng thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao.
Trong khi đó, những công đoạn sản xuất hạ nguồn (downstream) như gia công, lắp ráp trong các chuỗi cung ứng được nhận định sẽ dịch chuyển sang nhiều nước khác nhau do không đòi hỏi cao về công nghệ nền tảng và trình độ lao động nên dễ tìm kiếm được địa điểm mới để phân tán rủi ro, tối thiểu hoá chi phí. Bên cạnh đó, việc di chuyển các công đoạn hạ nguồn sang các nước có chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc còn nhằm kéo dài vòng đời dây chuyền công nghệ.
Mặt khác, một số chuỗi cung ứng được tái định vị thông qua việc mở rộng mạng lưới nhà cung cấp (outsourcing) tại các địa điểm khác nhau với mục tiêu chính là phân tán rủi ro, hướng phát triển này không đòi hỏi phải dịch chuyển vốn đầu tư và sản xuất. Các ngành, lĩnh vực đang có nhiều dịch chuyển theo hướng này chủ yếu là dệt may, lắp ráp điện tử, phụ tùng, linh kiện ôtô, hàng hóa thiết yếu… Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho nhiều nền kinh tế tham gia sâu hơn trong các chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh số hoá sản xuất với các công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) sẽ khiến các chuỗi cung ứng có thể nhanh chóng chuyển đổi các nhà cung cấp ngay khi sự cố gián đoạn xảy ra.
Chính sách dịch chuyển chuỗi cung ứng của một số quốc gia
Nhiều chuyên gia nhận định làn sóng dịch chuyển đầu tư trên toàn cầu sẽ chưa diễn ra mạnh mẽ trong ngắn hạn, ít nhất là trong giai đoạn 2022 - 2025 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm thay thế. Trong số các quốc gia đang phát triển, Trung Quốc hiện có năng lực cạnh tranh vượt trội về quy mô thị trường, hệ thống hạ tầng và logistics, mạng lưới công nghiệp hỗ trợ và chất lượng lao động. Do đó nhiều tập đoàn toàn cầu lớn vốn có lợi ích gắn kết chặt chẽ với thị trường Trung Quốc và đã mất nhiều năm phát triển chuỗi cung ứng tại nước này sẽ khó rời đi trong thời gian ngắn, cho đến khi chi phí bắt đầu lớn hơn lợi ích.
Bên cạnh đó, xu hướng tái định vị các chuỗi cung ứng còn chịu tác động từ chính sách của nhiều nền kinh tế. Cụ thể, các nền kinh tế phát triển đang tung ra nhiều công cụ khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp của mình “hồi hương”.
Đơn cử, Hoa Kỳ đã giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% trong năm 2018, mức thuế suất này thấp hơn so với các nước đang phát triển như Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc và Indonesia, nhằm thu hút các doanh nghiệp nước này đẩy mạnh đầu tư tại quê hương. Hoa Kỳ cũng nới lỏng một số tiêu chuẩn, quy định trong lĩnh vực công nghiệp quan trọng như năng lượng, luyện kim, ô tô… nhằm nâng cao tính cạnh tranh.
Hàn Quốc cũng đưa ra đạo luật “Hỗ trợ doanh nghiệp hồi hương” (U-turn Act) bao gồm hàng loạt chính sách hỗ trợ, lợi ích thuế, trợ cấp, giảm giá đất… nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất quay về nước, nhất là nhóm ngành linh kiện điện tử, hoá chất và sản xuất ô tô. Đặc biệt, nước này đưa ra chương trình hợp tác công - tư đặc biệt nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận, xây dựng các nhà máy thông minh và đẩy mạnh số hóa sản xuất khi quay trở lại Hàn Quốc. Điều này đã thuyết phục nhiều tập đoàn lớn như Hyundai và Samsung chuyển dây chuyền sản xuất về lại quê hương.
Với mục tiêu “tự chủ chiến lược”, các quốc gia EU hiện siết chặt hơn các quy định về đầu tư ra nước ngoài đối với các lĩnh vực công nghệ chiến lược, có giá trị gia tăng cao như sản xuất vi mạch, chất bán dẫn và thực hiện các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp “hồi hương” như chiến dịch “Sản xuất tại Pháp”.
Về phía các quốc gia tiếp nhận FDI thì việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư đang được chú trọng nhằm giữ chân và thu hút dòng vốn ngoại. Trung Quốc đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 2020, hứa hẹn tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tính linh hoạt trong tái cơ cấu xuyên biên giới đối với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp phương Tây. Đồng thời, nước này mở rộng các khu thí điểm tự do thương mại (FTZ) với nhiều ưu đãi.
Mặt khác, Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác kinh tế cấp độ khu vực và thế giới với việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm bảo vệ vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khi đó, Ấn Độ thực hiện cải cách thuế lớn nhất lịch sử, thông qua các quy định lao động mới, tăng cường cung cấp thông tin về các khu công nghiệp và quy định sản xuất kinh doanh, qua đó tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn và cải thiện hoạt động cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, Ấn Độ cam kết mức đầu tư công khổng lồ cho cải thiện cơ sở hạ tầng, chú trọng phát triển vận tải đa phương thức.
Indonesia tập trung đơn giản hoá thủ tục cấp phép đầu tư, quy trình thu hồi đất, quy trình đánh giá tác động môi trường và sửa đổi các lĩnh vực hạn chế doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Nước này cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc và thiết lập khu công nghiệp dành riêng cho doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng
So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam có một số lợi thế như chính trị - xã hội ổn định, nguồn lao động trẻ dồi dào, tiềm năng thị trường gần 100 triệu dân với tầng lớp khá giả ngày càng tăng, hội nhập thị trường quốc tế mạnh mẽ… để cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là bộ phận lao động có trình độ trong các nhóm ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật robot, tự động hoá, điện tử… là một trở ngại lớn để Việt Nam thu hút các chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ toàn cầu cũng như hạn chế khả năng Việt Nam hấp thụ các tiến bộ khoa học, tham gia các công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Những điểm yếu này nếu không sớm khắc phục sẽ làm tăng nguy cơ lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp.
Muốn thu hút được dòng vốn FDI chất lượng theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần đi trước một bước và phải thực hiện một cách căn cơ, bài bản nhằm đưa Việt Nam thành điểm đến hàng đầu của các tập đoàn công nghệ lớn có nhu cầu dịch chuyển chuỗi cung ứng; tạo tiền để để Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu tầm khu vực.
Bên cạnh đó, việc tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để giữ chân và thu hút dòng vốn FDI mới khi tỷ lệ của chi phí về công nghiệp hỗ trợ cao hơn nhiều so với chi phí lao động nên các tập đoàn đa quốc gia ngày càng chú trọng đầu tư sản xuất vào những khu vực mà tại đó họ được đáp ứng tốt nhu cầu linh kiện, tỷ lệ nội địa hoá cao.
Hiện tại, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng. Do đó, việc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu, đẩy mạnh số hoá - tự động hoá trong sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh là rất cần thiết.
Đồng thời, Việt Nam cần chú trọng hình thành các cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, góp phần hình thành hệ sinh thái bền vững cho sản xuất công nghiệp.
Mặt khác, nâng cao năng lực logisitcs thông qua chuyển đổi số, đẩy mạnh kết nối vận tải đa phương thức, đảm bảo sự sẵn có của hạ tầng, cắt giảm và đơn giản hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành sẽ là trợ lực quan trọng cho Việt Nam trong thu hút dòng vốn FDI thời gian tới. Một hệ thống logistics hiệu quả sẽ đóng vai trò đáng kể trong việc đảm bảo tính tin cậy của toàn chuỗi cung ứng, giảm tỷ trọng chi phí logistics trong cơ cấu chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất của các doanh nghiệp, cải thiện năng lực cạnh tranh cho tổng thể nền kinh tế.
Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đã tạo sức ép để toàn cầu thiết lập lại một hệ thống sản xuất - thương mại, tạo ra các chuỗi cung ứng thông minh và nhanh chóng hơn để sẵn sàng vượt qua những “cơn bão” khác trong tương lai. Nếu khắc phục các điểm yếu còn tồn tại, khai thác tối đa những lợi thế sẵn có, thì Việt Nam có cơ hội lớn trong việc tận dụng xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.