Báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu IHS Markit (Anh) cho thấy Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đạt 53,7 điểm vào tháng 1/2022, tăng so với mức 52,5 điểm của tháng 12/2021. Chỉ số PMI là chỉ số kinh tế tổng hợp đo lường mức độ phát triển của hoạt động sản xuất trong một khoảng thời gian nhất định, chỉ số trên 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất đã được mở rộng và ngược lại.
Chỉ số PMI tháng 1/2022 của Việt Nam cho thấy các điều kiện kinh doanh cải thiện mạnh và với mức độ đáng kể nhất kể từ tháng 4/2021. IHS Markit nhận định động lực tăng trưởng đối với khu vực sản xuất chế tạo của Việt Nam đã mạnh hơn trong đầu năm nay khi đà phục hồi từ sau làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4 vẫn tiếp tục.
Trong đó, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh với tốc độ tăng nhanh nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây khi nhu cầu của khách hàng tiếp tục cải thiện. Trong đó, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài tiếp tục tăng và đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ tháng 11/2018.
Đáng chú ý, khoảng 60% đại diện các doanh nghiệp tham gia khảo sát của IHS Markit dự đoán triển vọng sản lượng sẽ tăng lên, mặc dù mức độ lạc quan còn tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Con số này phản ánh mức độ lạc quan tổng thể của các doanh nghiệp sản xuất ở mức cao nhất trong hơn 3 năm trở lại đây. IHS Markit cũng lưu ý dịch bệnh vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khi mức độ lây nhiễm bệnh vẫn tăng trong tháng 1/2022.
Báo cáo cũng cho thấy những dấu hiệu về áp lực lạm phát đối với doanh nghiệp sản xuất trong tháng 1/2022 đã khó nhận thấy hơn so với hầu hết thời gian trong năm 2021. Chi phí đầu vào đã tăng với tốc độ chậm thứ 2 trong vòng 7 tháng trở lại đây. Nhân tố chính dẫn đến tăng chi phí đầu vào là giá cước vận tải quốc tế neo ở mức cao.
Các khó khăn trong hoạt động vận chuyển và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng dưới tác động của dịch bệnh đã khiến thời gian giao hàng tiếp tục bị kéo dài và tăng lượng hàng tồn kho thành phẩm của các nhà cung cấp trong tháng 1/2022.
Số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 1/2022 đã ghi nhận tháng tăng thứ hai liên tiếp khi các doanh nghiệp tái tổ chức sản xuất. Tốc độ tăng việc làm đã nhanh hơn so với tháng 12/2021. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với tình trạng một bộ phận nhân viên phải nghỉ việc do nhiễm Covid-19 và một số khác vẫn chưa quay trở lại vị trí làm việc.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, cho biết: "Các nhà sản xuất Việt Nam đã có bước khởi đầu tích cực cho năm 2022 khi không còn những hạn chế phạm vi rộng, và từ đó lĩnh vực sản xuất đã có thể tăng trưởng bất chấp số lượng ca nhiễm Covid-19 vẫn tương đối cao. Các công ty đã có thể lạc quan hơn về triển vọng trong năm tới. Tuy nhiên, đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất, đáng kể nhất là thông qua tình trạng nghỉ làm của nhân viên, trong khi khả năng tăng mạnh số ca nhiễm do biến chủng Omicron có thể làm tình trạng gián đoạn tồi tệ hơn. Yếu tố cản trở tiếp tục là những khó khăn của khâu vận chuyển khi nó ảnh hưởng đến việc giao hàng của nhà cung cấp, việc giao hàng của các công ty cho khách hàng, và từ đó làm tăng gánh nặng chi phí".