FED tăng lãi suất mạnh nhất trong hơn 20 năm

Kết thúc phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày 3 – 4/5, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) thông báo tăng lãi suất cơ bản lên biên độ từ 0,75% - 1%, tăng tới 0,5% so với mức lãi suất trước đây.
FED tăng lãi suất
 Thị trường tài chính toàn cầu tập trung theo dõi các động thái siết chặt chính sách tiền tệ của FED (Ảnh: CNBC)

Tất cả 10 thành viên có quyền biểu quyết của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đều ủng hộ quyết định nâng lãi suất. Mức tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% cao gấp đôi so với các lần tăng 0,25% thông thường. Đây cũng là đợt tăng lãi suất cơ bản mạnh nhất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) kể từ tháng 5/2000. Động thái này diễn ra trong bối cảnh FED đang “chạy đua” để kiềm chế lạm phát tại Hoa Kỳ vốn ở mức nhất trong hơn 40 năm trở lại đây.

Trong phiên họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch FED Jerome Powell đã nhấn mạnh sẽ hành động khẩn trương để kiềm chế lạm phát nhưng cũng cho biết FED hiện chưa cân nhắc nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75%. Cùng với việc nâng lãi suất, FED còn đưa ra các tín hiệu cho thấy sẽ giảm đáng kể quy mô gói nới lỏng định lượng. Trong suốt cả năm 2021, FED đã duy trì mức lãi suất cơ bản gần bằng 0% và tung hàng nghìn tỷ USD ra thị trường để hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ vượt qua các tác động của đại dịch Covid-19.

lãi suất FED
 Diễn biến lãi suất cơ bản của FED trong 40 năm trở lại đây (Đồ hoạ: CNN)

Nhiều nhà phân tích cảnh báo việc FED mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ có thể khiến Hoa Kỳ không thể “hạ cánh mềm”, hay giảm tốc nền kinh tế một cách vừa đủ để hạ nhiệt lạm phát mà không gây tổn thất lớn cho thị trường lao động hay khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Một số nhà phân tích lo ngại việc nâng lãi suất cùng với các thách thức kinh tế lớn hiện nay như xung đột quân sự Nga – Ukraine, phong toả kéo dài tại Trung Quốc sẽ khiến Hoa Kỳ đối mặt với rủi ro cao rơi vào một đợt suy thoái mới.

Nhà kinh tế trưởng Joel Naroff của hãng tư vấn kinh tế Naroff Economics (Hoa Kỳ) cho biết “Khả năng tất cả những tác động sẽ tồi tệ và dai dẳng hơn so với những gì các mô hình dự báo chỉ ra, tức là khả năng FED tạo ra một cú hạ cánh nhẹ nhàng cho nền kinh tế là rất khó xảy ra. Nếu nó xảy ra, đó chỉ là do may mắn”.

Việc tăng lãi suất sẽ khiến chi phí đi vay tại Hoa Kỳ tăng lên đáng kể, gây áp lực tài chính lớn đến người tiêu dùng nước này, từ việc mua xe, nhà, kinh doanh cho đến việc sử dụng thẻ tín dụng, và làm suy yếu nền kinh tế. Ông Roger Ferguson, cựu Phó chủ tịch FED, nhận định “Suy thoái là điều gần như không thể tránh khỏi ở giai đoạn này. Tôi nghĩ khả năng xảy ra suy thoái là rất, rất cao vì FED mạnh tay điều chỉnh các công cụ”.

Lãi suất cho các khoản thế chấp vay mua nhà, vay mua ô tô và các khoản vay dài hạn khác tại Hoa Kỳ đã tăng lên trước quyết định của FED. Lãi suất thẻ tín dụng, các sản phẩm tín dụng ngắn hạn và các khoản cho vay có lãi suất có thể điều chỉnh theo việc FED nâng lãi suất cơ bản. Thông thường, các ngân hàng tại Hoa Kỳ thường ràng buộc lãi suất các khoản vay với phạm vi lãi suất cơ bản của FED.

Duy Quang