“Thập kỷ mất mát” ngày càng hiện hữu hơn
Khi thực trạng nền kinh tế thế giới dần hiện rõ sau đại dịch Covid-19, giới phân tích cảnh báo các nền kinh tế mới nổi đang đối diện với rủi ro “thập kỷ mất mát” ngày càng hiện hữu hơn. “Thập kỷ mất mát” là thuật ngữ chỉ giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm, rủi ro khủng hoảng tài chính và các bất ổn xã hội.
Các nền kinh tế mới nổi vốn kỳ vọng trở thành các quốc gia giàu có nhưng tiến trình thực hiện mục tiêu này liên tiếp đối mặt nhiều khó khăn trong những năm gần đây. Trong ba năm qua, lần đầu tiên kể từ những năm 1980, mức tăng trưởng thu nhập (tính theo sức mua tương đương) của hơn một nửa dân số tại các nền kinh tế mới nổi thấp hơn so với mức tăng của người dân Mỹ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của các nền kinh tế mới nổi sẽ chỉ đạt 3,8% trong năm 2022 và 4,4% trong năm 2023. Các con số này thấp hơn nhiều so với mức dự báo được đưa ra trong năm ngoái và thấp hơn mức trung bình 5% trong 10 năm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
IMF cho rằng đến cuối năm 2024 thì tăng trưởng GDP của toàn bộ các nền kinh tế mới nổi vẫn thấp hơn khoảng 6% so với mức tăng trưởng trước khi đại dịch xảy ra. Trong khi đó, mức chênh lệch này tại các nền kinh tế phát triển chỉ là dưới 1%.
Trên thực tế, các nền kinh tế mới nổi đã trải qua các “thập kỷ mất mát” trong những năm 1980 và 1990. Trong 10 năm kể từ năm 1980 đến năm 1990, trung bình của tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm ở các nền kinh tế mới nổi đã giảm xuống dưới 0%, phải đến cuối những năm 1990 trở đi, tình hình mới được cải thiện.
Tuy nhiên, các thách thức lớn đang quay trở lại, gợi nhớ đến những trở ngại mà các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt trong những năm 1980 và 1990. Căng thẳng thương mại gia tăng, đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt hoàn toàn, đứt gãy chuỗi cung ứng tiếp tục kéo dài, áp lực lạm phát lớn và các bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự đang tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế mới nổi.
Áp lực tài chính được xem là mối đe dọa nghiêm trọng nhất. Vào đầu những năm 1980, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tăng mạnh lãi suất cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát. Với các nền kinh tế nghèo, vốn đã gánh chịu những khoản nợ lãi suất cao trước đó, việc Hoa Kỳ thắt chặt chính sách tài chính và đồng USD tăng mạnh là điều quá sức chịu đựng. Làn sóng nợ và khủng hoảng ngân hàng đã ập đến nhiều nền kinh tế yếu.
Tương tự ngày này, tỷ trọng cả nợ công và nợ tư nhân so với GDP của nhiều nền kinh tế mới nổi đã liên tục tăng lên trong thập kỷ những năm 2010, và tăng vọt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát. Tỷ lệ nợ công ở các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình hiện đang ở mức cao kỷ lục và tình trạng nợ ở các quốc gia nghèo nhất đã tăng cao như những gì từng diễn ra những năm 1990.
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy trong số 70 nền kinh tế có mức thu nhập thấp trên thế giới thì có hơn 10% đã đối mặt với tình trạng nợ không bền vững như Chad và Somalia. Hơn 50% số quốc gia còn lại, bao gồm Lào và Ethiopia, có nguy cơ cao rơi vào tình trạng trên. Trong thập kỷ trước, chỉ khoảng 30% các nền kinh tế nghèo rơi vào hoặc đối mặt tình trạng nợ không bền vững.
Các thách thức chủ yếu đối với những nền kinh tế mới nổi
Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đã khiến giá các loại lương thực, thực phẩm và năng lượng tăng vọt. Giá lúa mì và dầu thô đều đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với các nước nhập khẩu, điều này làm tăng chi phí trợ cấp lương thực và năng lượng, làm cạn kiệt khoản dự trữ ngoại tệ và tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, việc giá cả hàng hóa tăng vọt khiến các nước có nền kinh tế phát triển chịu áp lực lớn trong việc siết chặt chính sách tiền tệ. Giới phân tích dự báo FED có thể nâng lãi suất cơ bản lên mức gần 3% trong năm 2022. Nếu điều này thành hiện thực, đây sẽ là mức tăng lãi suất lớn nhất trong một năm của FED kể từ đầu những năm 1990. Cùng với việc giảm quy mô gói nới lỏng định lượng (QE), việc thắt chặt chính sách tiền tệ của FED có thể là những nỗ lực mạnh nhất kể từ những năm 1980.
Các động thái trên đang tạo áp lực lớn lên các nền kinh tế mới nổi vốn dễ bị tổn thương. Dòng vốn có thể sẽ bị rút ra khỏi các nền kinh tế mới nổi để chảy về Hoa Kỳ nhằm hưởng mức lợi suất cao hơn. Đồng USD, vốn đã tăng hơn 10% trong năm qua, cũng đang mạnh lên. Do đó, chi phí thanh toán các khoản nợ của nền kinh tế mới nổi cũng sẽ tăng lên.
IMF cho biết tỷ lệ các quốc gia phát hành trái phiếu gặp khó khăn trong thanh toán đã tăng hơn gấp đôi, bao gồm các nền kinh tế như Ukraine, Ai Cập và Ghana. IMF cảnh báo nhiều quốc gia có thể phải tuyên bố vỡ nợ như Sri Lanka đã làm hôm 12/4.
Một thách thức khác là gánh nặng nợ tăng sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. Bởi lẽ, các chính phủ sẽ có ít dư địa hơn trong việc giảm thuế và ít nguồn lực hơn để đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục…
Các ngân hàng bản địa đã cho chính phủ vay, có thể lưỡng lự hơn trong việc giải ngân các khoản vay đối với giới tư nhân nếu như các trái phiếu chính phủ mà họ nắm giữ bị mất giá. Nợ chính phủ ở các nền kinh tế mới nổi đang chiếm khoảng 17% tổng tài sản của các ngân hàng bản địa. Con số này tăng đáng kể so với mức 13% hồi đầu những năm 2010 và cao hơn nhiều so với mức trung bình 7,5% tại các nền kinh tế phát triển.
Các nền kinh tế mới nổi còn đối mặt thách thức thay đổi cấu trúc thương mại toàn cầu. Hoạt động thương mại hàng hoá tại các nền kinh tế mới nổi đã tăng vọt trong giai đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu mở rộng trên khắp Đông Á và Đông Nam Á. Nhưng căng thẳng địa chính trị, lo ngại về sự ổn định của các chuỗi cung ứng, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và xu hướng “tự cung tự cấp” đang thay đổi cấu trúc thương mại. Những yếu tố này làm giảm cơ hội các nước nghèo được tiếp cận các công nghệ và bí quyết từ các tập đoàn nước ngoài cũng như giảm nguồn thu từ việc xuất khẩu cho các nước giàu.
Nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ chịu sự tác động của thị trường mới nổi lớn nhất và cũng là động lực tăng trưởng chính của thế giới: Trung Quốc. Từ năm 1970 đến 2000, châu Mỹ và châu Âu chiếm gần một nửa mức tăng trưởng GDP toàn cầu. Tăng trưởng các nước giàu bắt đầu suy giảm mạnh từ những năm 1970 do đó đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu cũng như các nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, vào những năm 2000, kinh tế thế giới có cơ hội bùng nổ lại khi Trung Quốc đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng toàn cầu so với Mỹ và châu Âu cộng lại. GDP của Trung Quốc giờ giảm tốc, với tăng trưởng khoảng 5% năm nay, sẽ không khiến kinh tế toàn cầu rơi vào trì trệ. Tuy nhiên, các đợt phong tỏa và thị trường bất động sản tại nước này nguội lạnh vẫn có thể gây ra thiệt hại lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Giới phân tích cho rằng thế giới có thể tránh được một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống, vốn là đặc điểm của những “thập kỷ mất mát” trước đây. Nhiều nền kinh tế có mức thu nhập trung bình đang tăng cường khả năng phòng vệ tài chính bằng cách tăng cường dữ trữ ngoái hối. Đồng thời, các nhà đầu tư trên toàn cầu cũng đã trở nên sáng suốt từ các bài học trong quá khứ.
Đặc biệt, một số thị trường mới nổi có thể vẫn được hưởng lợi trong thời gian tới. Các doanh nghiệp muốn giảm sự phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc có thể dịch chuyển hoạt động sản xuất đến những nơi khác có chi phí thấp hơn. Bên cạnh đó, các nền kinh tế phát triển muốn kìm hãm việc các nước nghèo xích lại gần Nga và Trung Quốc, có thể sẽ hạ thấp các rào cản thương mại và tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, giá hàng hoá tăng cao kéo dài sẽ tăng đáng kể doanh thu cho các nước xuất khẩu lương thực, kim loại và năng lượng.