Gạo Trung An (TAR): Mục tiêu chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch cả nước, huỷ kế hoạch chuyển sang sàn HoSE

Trong năm nay, Gạo Trung An cho biết sẽ tập trung khai thác phân khúc gạo cao cấp tại thị trường nội địa, chuyển dần từ bán lẻ xuất khẩu sang bán buôn xuất khẩu để thâm nhập vào kênh siêu thị tại các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, Đức, Saudi Arabia..., hướng đến việc chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch cả nước vào năm 2030.

Tập trung phân khúc gạo cao cấp trên thị trường nội địa

Gạo Trung An sẽ mở rộng diện tích canh tác lúa chất lượng cao
 Gạo Trung An cho biết sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao đạt chuẩn theo hướng hữu cơ từ 100.000 đến 200.000 ha, hướng đến mục tiêu chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo sạch cả nước vào năm 2030.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An, mã cổ phiếu TAR - sàn HNX) dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vào ngày 29/6 tới đây.

Trong năm nay, Gạo Trung An đặt mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng, tương đương với mức thực hiện trong năm 2022, và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, giảm hơn 33% so với mức thực hiện năm ngoái. Như vậy, mục tiêu lợi nhuận của công ty tiếp tục đi lùi sau khi chỉ hoàn thành 68% chỉ tiêu lợi nhuận trong năm ngoái.

Về chiến lược kinh doanh, ban lãnh đạo Gạo Trung An khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược xây dựng thương hiệu gạo sạch Trung An chế biến theo hướng công nghệ cao, duy trì vị thế có trữ lượng gạo sạch và xuất khẩu gạo sạch lớn nhất cả nước.

Theo đó, công ty sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường gạo nội địa, đặc biệt là phân khúc gạo cao cấp như gạo sạch và gạo hữu cơ. Bên cạnh các cửa hàng hiện có, công ty sẽ mở thêm các cửa hàng mới chuyên bán gạo hữu cơ chất lượng cao, phục vụ cho khách hàng tầm trung và cao cấp tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Gạo Trung An cho biết sẽ đẩy mạnh việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị của các tập đoàn sản xuất bún, phở… nhằm tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu lớn, ổn định cùng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP và Organic. Trong năm 2022, doanh thu từ thị trường nội địa chiếm hơn 85% tổng doanh thu của công ty.

Đối với thị trường xuất khẩu, Gạo Trung An sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia phát triển như EU, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… Đây được xem là những thị trường khó tính nhưng có tỷ suất biên lợi nhuận cao và công ty có thể tận dụng tối đa thế mạnh về cơ sở sản xuất đầu tư bài bản cùng quy trình kiểm soát chất lượng đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Đáng chú ý, Gạo Trung An sẽ chuyển dần từ bán lẻ xuất khẩu sang bán buôn xuất khẩu, đưa sản phẩm vào các siêu thị tại những nước phát triển. Các thị trường công ty dự định phát triển đầu tiên theo hình thức này gồm: Saudi Arabia, Đức, Australia và Hoa Kỳ.

Doanh thu xuất khẩu gạo đóng góp khoảng 15% tổng doanh thu của Gạo Trung An trong năm 2022; trong đó, thị trường Hàn Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm hơn 52% doanh thu xuất khẩu của công ty. Gạo Trung An hiện đặt mục tiêu đến năm 20230, sản lượng gạo của công ty sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu có giá trị gia tăng cao.

Nhằm đạt được các mục tiêu trên, Gạo Trung An cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát đầu vào và mở rộng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao. Kế hoạch đến năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt 2 đề án phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao đạt chuẩn tại vùng tứ giác Long Xuyên có liên quan trực tiếp đến Gạo Trung An. Công ty cũng đã cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc mở rộng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao đạt chuẩn theo hướng hữu cơ từ 100.000 đến 200.000 ha.

Huỷ kế hoạch chuyển sang sàn HoSE, dự kiến phát hành thêm 79 triệu cổ phiếu

Giá cổ phiếu TAR Gạo Trung An
 Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TAR của Gạo Trung An từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ban lãnh đạo Gạo Trung An dự kiến sẽ trình cổ đông xem xét thông qua việc chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% vốn điều lệ và dự kiến tỷ lệ chia cổ tức năm 2023 ở mức 10%. Công ty cũng cho biết do đang trong giai đoạn tập trung đầu tư phát triển cánh đồng mẫu lớn tại Hòn Đất, Kiên Giang nên đề xuất không trích các quỹ.

Đồng thời, ban lãnh đạo Gạo Trung An đề xuất cổ đông xem xét thông qua việc dừng triển khai thực hiện việc chuyển niêm yết cổ phiếu TAR từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) như đã thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Nguyên nhân được đưa ra là do yếu tố vĩ mô không thuận lợi, thị trường chứng khoán diễn biến khó lường và công ty đang tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Một nội dung khác đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 nhưng ban lãnh đạo Trung An cũng đề xuất huỷ bỏ trong Đại hội năm 2023 là việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ. Tương tự như việc huỷ chuyển niêm yết trên sàn HoSE, nguyên nhân của việc huỷ phát hành cổ phiếu là tình hình thị trường hiện không thuận lợi, việc triển khai có thể ảnh hưởng đến lợi ích của công ty và cổ đông.

Tuy nhiên, Gạo Trung An sẽ tiếp tục thực hiện việc phát hành thêm hơn 39 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu và phát hành riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá chào bán là 20.000 đồng/cổ phiếu.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 9/6, giá cổ phiếu TAR của Gạo Trung An đạt 15.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy, mức giá phát hành riêng lẻ dự kiến của cổ phiếu TAR đang cao hơn tới 28% so với thị giá hiện tại.

Với tổng số tiền dự kiến thu được là hơn 1.387 tỷ đồng, Gạo Trung An sẽ dùng để mở rộng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ tại vùng tứ giác Long Xuyên trong giai đoạn 2022 – 2025, cũng như nâng cao năng lực về vốn của công ty.

Quỳnh Trang