Sản lượng điện tháng 5 cao kỷ lục
Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán: QTP - sàn: UpCOM) cho biết sản lượng điện sản xuất của nhà máy trong tháng 5/2023 đạt 806,5 triệu kWh, vượt 4,5% so với kế hoạch tháng. Đây cũng là mức sản lượng sản xuất theo tháng cao nhất kể từ khi công ty đi vào hoạt động đến nay.
Nhiệt điện Quảng Ninh hiện đang vận hành 2 nhà máy sản xuất điện là Quảng Ninh 1 và Quảng Ninh 2, với tổng công suất là 1.200 MW, phụ trách cung cấp điện cho khu vực Hà nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, với sản lượng điện sản xuất trung bình năm ở mức 7,2 tỷ kWh/năm.
Luỹ kế 5 tháng đầu năm nay, sản lượng điện sản xuất của nhà máy đạt 3.383 triệu kWh, vượ 5% so với kế hoạch. Ban lãnh đạo Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết, trong thời điểm hiện tại, các tổ máy của nhà máy đều được huy động phát tối đa công suất 24/24h để đáp ứng yêu cầu cho hệ thống điện quốc gia và bố trí lực lượng vận hành trực theo chế độ 3 ca 5 kíp, tập trung giám sát thiết bị nhằm kịp thời xử lý các rủi ro có thể gây sự cố làm giảm công suất của tổ máy. Đây được xem là nỗ lực của công ty trong việc đáp ứng điện cao điểm nắng nóng.
Để đảm bảo nguồn cấp than ổn định, đầy đủ, Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết đã phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp than, đảm bảo cấp đủ than theo kế hoạch sản xuất điện; duy trì mức tồn kho than ở mức hợp lý vào từng thời điểm. Ngoài ra, công ty cũng triển khai các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng phần mềm quản lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên…
Trong năm nay, Nhiệt điện Quảng Ninh đặt mục tiêu sản xuất trên 7,5 tỷ kWh, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm 6,8 tỷ kWh. Do nhu cầu nguồn điện trong năm nay ở mức cao nên Nhiệt điện Quảng Ninh được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xếp vào danh sách các nhà máy chạy nền, đáp ứng nhu cầu phụ tải, được huy động với công suất và sản lượng lớn.
Triển vọng khả quan khi chi phí sản xuất và tài chính giảm
Về tình hình kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận của Nhiệt điện Quảng Ninh trong năm ngoái, lần lượt đạt 10.417 tỷ đồng và 764 tỷ đồng, tăng 21,5% và 32,2% so với năm 2021. Mặc dù sản lượng trong năm 2022 giảm nhưng giá bán điện tăng mạnh trong kỳ để bù đắp chi phí than tăng mạnh, đã giúp cải thiện kết quả kinh doanh của công ty. Giá bán điện năm 2022 đạt trung bình 1.625 đồng/kWh, tăng 26,6% so với năm 2021.
Theo Chứng khoán DSC, tình hình tài chính của Nhiệt điện Quảng Ninh trong thời gian tới sẽ tiếp tục được cải thiện khi một phần máy móc thiết bị sẽ hết khấu hao trong năm 2023. Dự phóng đến hết 2026, công ty sẽ không còn chịu chi phí khấu hao. Ngoài ra, chi phí tài chính sẽ dự kiến giảm mạnh do nợ vay tiếp tục giảm và biến động tỷ giá ổn định hơn trong năm 2023.
Ngoài ra, giá nhiên liệu than đã giảm mạnh hơn 72% từ vùng nền năm 2022 (quanh 415 USD/ tấn) xuống còn 165 USD/ tấn vào 18/05/2023. Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ trộn than nhập và than trong nước để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, trong đó có Nhiệt điện Quảng Ninh. Vì vậy, giá than của ngành nhiệt điện thường thấp hơn rất nhiều so với giá than trung bình trên thế giới.
Điều này khiến cho giá nguyên liệu đầu vào của nhiệt điện than của Nhiệt điện Quảng Ninh bắt đầu giảm từ quý 2/2023 đến hết năm, khả quan hơn so với giai đoạn 2022. Từ đó, công ty có thể gia tăng biên lợi nhuận.
Giá than thường chiếm tới 75 - 85% trong cơ cấu chi phí nguyên vật liệu của các nhà máy điện than. Do đó, giá than được ước tính đi ngang vùng giá 165 – 170 USD/ tấn trong năm 2023 sẽ là một ưu thế lớn cho các doanh nghiệp nhiệt điện như Nhiệt điện Quảng Ninh.
Theo Chứng khoán DSC, trong năm 2023, nhu cầu điện ở Việt Nam được dự báo sẽ tăng cao, vào khoảng 9 – 10% trong giai đoạn 2022 – 2027. Đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng sản lượng tích cực cho Nhiệt điện Quảng Ninh. Các mô hình của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) hiện ước tính khả năng xảy ra El Nino trong năm nay lên đến 80%. Kết hợp biến đổi khí hậu và El Nino sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức chưa từng thấy. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của thuỷ điện do điều kiện thuỷ văn chịu ảnh hưởng mạnh từ hiện tượng El Nino. Do đó nhu cầu huy động từ các nhà máy nhiệt điện sẽ ở mức cao.
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino khiến thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đặc biệt vào đợt cao điểm nắng nóng các tháng 6 và 7 tới đây.
Trong khi đó, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) vừa cho biết, tính đến ngày 8/6, một số hồ ở mực nước chết, một số thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo. Mực nước các hồ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ thấp, một số hồ xấp xỉ, dưới mực nước chết; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên mực nước các hồ ở mực nước yêu cầu theo quy định của Quy trình vận hành.