Giá các loại ngũ cốc đồng loạt tăng, thị trường tiếp tục lo ngại rủi ro đứt gãy nguồn cung

Giá các loại ngũ cốc trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã đồng loạt tăng lên trong tuần vừa rồi khi thị trường thế giới vẫn còn đối mặt với các rủi ro đứt gãy nguồn cung ngũ cốc dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và tình trạng hạn hán tại khu vực Nam Mỹ.
giá ngô
 Diễn biến giá ngô giao tháng 5/2022 trên sàn CBOT trong vòng 3 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: barchart.com)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá ngô giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã tăng 5,75 cents lên 7,54 USD/giạ (25,4 kg/giạ). Giá đậu tương giao tháng 5/2022 cũng tăng 9,50 cents lên 17,10 USD/giạ (27,2 kg/giạ) và giá lúa mì giao tháng 5/2022 đạt mức 16,5 USD/giạ (27,2 kg/giạ).

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết giá các loại nông sản chính của thế giới được giao dịch trên sàn CBOT đều đã tăng trở lại trong tuần vừa qua sau khi thị trường đã hấp thụ hết tác động tiêu cực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tiến hành tăng lãi suất cơ bản. Đồng thời, nguồn cung ngũ cốc trên thị trường toàn cầu vẫn đang đối mặt rủi ro đứt gãy khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.  

Sản lượng ethanol
Sản lượng ethanol của Hoa Kỳ theo tháng qua các niên vụ (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đối với mặt ngô, dữ liệu mới nhất của Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy sản lượng ethanol của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 18/3 vừa qua đã đạt tới 1,042 triệu thùng/ngày, tăng 1,56% so với một tuần trước đó. Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường nông sản AgriCensus (Hoa Kỳ), điều này tương ứng với việc đã có 2,68 triệu tấn ngô được sử dụng để sản xuất ethanol.

Đây cũng là mức sản lượng ethanol cao nhất của Hoa Kỳ trong vòng 2 tháng trở lại đây. Tồn trữ ethanol tại Hoa Kỳ cũng tăng thêm 1% và chạm mức cao nhất trong gần hai năm trở lại đây.

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường nông sản thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây. 

Một số thông tin cho biết mặc dù các cảng biển chính của Ukraine vẫn đang tạm thời đóng cửa nhưng hoạt động xuất khẩu ngô của nước này đã được nối lại thông qua tuyến đường sắt thuộc phần phía Tây Ukraine. Ước tính lượng ngũ cốc được Ukraine xuất khẩu qua các tuyến đường sắt chỉ đạt 600.000 tấn/tháng, bằng 10% - 15% năng lực xuất khẩu của hệ thống cảng biển.

Các xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine không chỉ gây ra tình trạng thiếu hụt tức thời lượng lớn ngũ cốc từ Ukraine mà còn tác động tiêu cực đến diện tích canh tác ngũ cốc của nước này trong niên vụ 2021/2022. Trong đó, diện tích canh tác ngô của Ukraine trong niên vụ 2021/2022 được Bộ Nông nghiệp Ukraine dự báo sẽ chỉ đạt 3,3 triệu ha, giảm đến 5,3 triệu ha so với niên vụ trước.

tồn kho đậu tương
Diễn biến lượng tồn kho đậu tương của Trung Quốc qua các niên vụ (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đối với mặt hàng đậu tương, lượng đậu tương tồn kho đậu tương của Trung Quốc tiếp tục suy giảm trong tuần kết thúc vào ngày 20/3, xuống còn 2,42 triệu tấn. Con số này chỉ bằng 48% mức dự trữ cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do đợt bùng phát Covid-19 mới đã khiến Chính phủ Trung Quốc áp đặt hàng loạt biện pháp hạn chế di chuyển, gây gián đoạn chuỗi cung ứng đậu tương.

Mức tồn kho đậu tương thấp khiến nhiều nhà máy ép dầu đậu tương tại Trung Quốc phải tạm ngưng hoạt động. Sản lượng ép dầu đậu tương tại nước này đã giảm tuần thứ tư liên tiếp, xuống chỉ còn 1,3 triệu tấn trong tuần kết thúc vào ngày 20/3. Dự kiến tình trạng khan hiếm đậu tương và dầu đậu tương tại Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn. Khi các biện pháp phong toả phòng chống dịch Covid-19 tại nước này được gỡ bỏ thì hoạt động nhập khẩu đậu tương được dự báo sẽ gia tăng mạnh trở lại.

Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy nước này đã tăng cường nhập khẩu đậu tương từ Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2021. Thông thường, Trung Quốc sẽ chủ yếu nhập khẩu đậu tương từ khu vực Nam Mỹ như Brazil trong giai đoạn này khi khu vực Nam Mỹ bước vào vụ thu hoạch mới. Tuy nhiên, tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng tại nhiều quốc gia Nam Mỹ khiến sản lượng đậu tương tại đây liên tục sụt giảm, buộc Trung Quốc phải tìm kiếm các nguồn cung đảm bảo hơn.

Sản lượng đậu tương
 Mức sản lượng đậu tương của Paraguay qua các niên vụ (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Hiện Paraguay đã hoàn tất vụ thu hoạch đậu tương của nước này với mức ước tính chỉ đạt 4 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với niên vụ trước. Đây cũng là vụ thu hoạch tồi tệ nhất Paraguay trong lịch sử. Argentina vừa qua đã cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu khô đậu tương và dầu đậu tương trong niên vụ 2021/2022 và nâng  mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng này lên mức 33%.

lúa mì
 Mức tồn kho cuối niên vụ và xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ qua các niên vụ (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đối với mặt hàng lúa mì, trong bối cảnh nguồn cung lúa mì thế giới bị thiếu hụt nghiêm trọng, Ấn Độ đã tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu. Chính phủ Ấn Độ hiện đang đàm phán giai đoạn cuối cùng để xuất khẩu lúa mì sang các quốc gia tiêu thụ lúa mì lớn trên thế giới như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tính từ đầu niên vụ 2021/2022 đến nay, Ấn Độ đã xuất khẩu 6,3 triệu tấn lúa mì, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ niên vụ trước.

Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường hàng hoá tại đây.

Tại Châu Âu, hoạt động xuất khẩu lúa mì của Pháp trong tuần tính đến ngày 24/03 đã tăng mạnh khi nguồn cung lúa mì từ Ukraine suy giảm mạnh. Tính riêng, lượng lúa mì được xuất khẩu thông qua cảng  Rouen của Pháp đã tăng lên gấp 6 lần so với cách đây 1 tuần. Các đối tác thu mua lúa mì chính của Pháp hiện là Trung Quốc, Algeria, Maroc cùng nhiều quốc gia Châu Âu.

Giới phân tích cho biết Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu lúa mì thông qua các cảng tại khu vực Biển Đen. Hiện tại lượng lúa mì xuất khẩu của Nga chỉ đạt 60% so với bình thường. Dự báo nếu điều kiện thời tiết thuận lợi thì lượng lúa mì xuất khẩu của Nga trong tháng 3/2022 sẽ vượt mức 2 triệu tấn.  

Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa

  • Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
  • Website: https://saigonfutures.com
  • Hotline: 0903.352.961
Duy Quang