Giá cước vận chuyển container từ Châu Á đi Bắc Mỹ tăng hơn 500% chỉ trong 1 năm

Dữ liệu mới nhất cho thấy giá cước vận chuyển container từ khu vực Châu Á đi Bắc Mỹ đã tăng hơn 500% chỉ trong vòng 1 năm qua. Giá cước vận chuyển container trên toàn cầu được nhận định sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi các hãng tàu nâng phụ phí cho mùa cao điểm vận chuyển.
giá cước vận chuyển container
Giá cước vận chuyển container trên các tuyến vận chuyển chính sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi các hãng tàu nâng phụ phí cho mùa cao điểm vận chuyển (Ảnh: Andrew Frolows/ANMM)

Dữ liệu mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho thấy giá cước vận chuyển container từ khu vực Châu Á đến Nam Mỹ đang tăng vọt trong những tuần gần đây. Trong tuần trước, giá cước vận chuyển container từ khu vực Bắc Á đến Bờ Đông Hoa Kỳ đã đạt 11.200 USD/FEU (1 container loại 40 feet), tăng đến 560% so với mức 1.700 USD/FEU ghi nhận hồi tháng 5/2020.

Trong khi đó, giá cước trên các tuyến từ khu vực Châu Á đến Hoa Kỳ có xu hướng ổn định trong thời gian gần đây cho dù thị trường đang bước vào cao điểm vận chuyển (tháng 8 – tháng 11 hàng năm) khi các nhà bán lẻ tích cực dự trữ hàng hoá chuẩn bị cho dịp mua sắm cuối năm. Cụ thể, giá cước trên các tuyến từ Châu Á – Bờ Tây Hoa Kỳ hiện dao động quanh ngưỡng 18.425 USD/FEU, tăng 452% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó, giá cước từ Châu Á – Bờ Đông Đông Hoa Kỳ được giữ tại mức 20.057 USD/FEU.

Một số nhà phân tích nhận định giá cước từ khu vực Châu Á đến Bắc Mỹ có xu hướng ổn định chủ yếu do các hãng tàu không còn chỗ trống để chở thêm hàng và các hãng vận chuyển hiện đã có đủ đơn hàng cho nhiều tuần tới. Trong khi đó, tình trạng tắc nghẽn tại các khu cảng lớn ở Bờ Tây Hoa Kỳ đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khiến vòng quay container rỗng và đội tàu chuyên chở ngày càng kéo dài hơn. 

Giá cước vận chuyện từ khu vực Châu Á đến Bắc Mỹ liên tục phá các mốc kỷ lục trong một năm trở lại đây khi nhu cầu mua sắm hàng hoá của người tiêu dùng tại Bắc Mỹ tăng vọt trong thời gian dài phải thực hiện giãn cách xã hội, ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19. Các gói kích thích kinh tế khổng lồ của Hoa Kỳ cũng thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh. Trong khi đó, sự lây lan của đại dịch khiến tình trạng thiếu hụt container rỗng và tắc nghẽn tại các cảng biển lớn trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn, gây áp lực mạnh lên các chuỗi cung ứng.

Hãng S&P Global Platts cảnh báo tình trạng tắc nghẽn tại một số cảng biển lớn tại Việt Nam, Indonesia và Singapore có thể khiến các hãng tàu nâng mức phụ phí bảo đảm chỗ cho container trên các tuyến nội khu vực Châu Á lẫn các tuyến từ khu vực Đông Nam Á đi Bắc Mỹ trong những tuần tới đây.

Trên các tuyến vận chuyển từ Châu Âu đến Bắc Mỹ, giá cước vận chuyển sẽ tăng mạnh trong những tuần tới sau một thời gian được giữ ổn định. Hãng tàu lớn thứ hai thế giới MSC (Thuỵ Sỹ) vừa cho biết sẽ nâng mức phụ phí mùa cao điểm vận chuyển (PSS) đối với các tuyến vận chuyển từ Châu Âu đến Hoa Kỳ thêm 1.000 USD lên mức 2.700 USD/FEU kể từ ngày 1/10 tới đây.

MSC cho biết hãng buộc phải tăng mức phụ phí PSS do nhu cầu về container để vận chuyển hàng hoá giữa hai khu vực này tăng mạnh và hiện rất khó để có thể đáp ứng nhu cầu container của các khách hàng.

Hãng cho thuê và giao dịch container toàn cầu Container xChange (Đức) vừa cho biết giá cho thuê container trên toàn cầu đã tăng vọt 180% chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây và có thể tiếp tục tăng cao trong thời gian tới dưới tác động của sự cố tắc nghẽn tại cảng container lớn thứ ba thế giới Ningbo – Zhoushan (Trung Quốc).

Chỉ số Freightos Baltic Index (FBX), đo lường biến động cước phí vận chuyển container trên toàn cầu, cho thấy mức giá cước vận chuyển giao ngay trên các tuyến từ Châu Âu – Hoa Kỳ hiện đạt 5.888 USD/FEU, tăng 180% chỉ trong vòng 6 tháng trở lại đây.

Trên các tuyến từ Châu Á đi Châu Âu, giá cước vận chuyển container cũng đang có dấu hiệu tăng trong thời gian tới khi tình trạng tắc nghẽn tại nhiều cảng lớn tại Châu Âu ngày càng trầm trọng hơn. Tổng mức phí vận chuyển từ Châu Á đến Vương quốc Anh trong tuần trước ở mức gần 19.000 USD/FEU và giá cước này được áp dụng cho tất cả các loại hàng (FAK).

Quang Đặng