Giá dầu thô 19/9: Lo ngại căng thẳng nguồn cung khi EU cấm dầu Nga

Giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 1% trong sáng nay (19/9) nhờ lo ngại căng thẳng nguồn cung sẽ tăng lên khi EU cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Giá dầu thô thế giới hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

 

Vào lúc 9h00 sáng nay (ngày 19/9, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 tăng 1,12% lên 92,32 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2022 cũng tăng 0,86% lên 85,97 USD/thùng.

Giá dầu thô tăng lên chủ yếu nhờ tâm lý thị trường lo ngại tình trạng căng thẳng nguồn cung sẽ tăng lên khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc hoá dầu từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào đầu tháng 12 tới đây.

Trong khi đó, giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Kuwait (KPC) vừa cho biết nhu cầu sử dùng dầu thô từ các khách hàng của tập đoàn này hiện vẫn không suy giảm bất chấp nhiều lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu thời gian tới. Kuwait hiện là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 8 thế giới với sản lượng khai thác hiện đạt 2,8 triệu thùng/ngày.

Đồng thời, thông tin mới nhất cho thấy Thành Đô, một đại đô thi của Trung Quốc với hơn 21 triệu dân, đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Điều này giúp thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc sẽ tăng trở lại trong quý 4 năm nay. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.  

Giá dầu thô cũng được hỗ trợ bởi việc đồng USD đã giảm nhẹ so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới vào cuối tuần trước. Việc đồng USD tăng giá mạnh trong thời gian gần đây đã khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu thô vốn được định giá bằng đồng tiền này trở nên “đắt đỏ” hơn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác.       

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 16/9), giá dầu thô Brent đạt 91,35 USD/thùng và giá dầu thô WTI đạt 85,11 USD/thùng. Tính chung cả tuần trước, giá hai loại dầu thô trên đã giảm gần 2%. Tính từ đầu quý 3/2022 đến nay, giá dầu thô thế giới đã giảm khoảng 20% - xác lập quý giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2020 - thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.

Thị trường hiện tập trung đánh giá triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô thời gian tới trong bối cảnh rủi ro khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngày càng lớn hơn. Hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), đã và đang siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát bất chấp khả năng sẽ khiến các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

FED sẽ tiến hành họp chính sách trong tuần này và thị trường dự đoán FED có thể nâng lãi suất cơ bản thêm từ 0,75 đến 1 điểm phần trăm cơ bản khi lạm phát trong tháng 8 của Hoa Kỳ tiếp tục neo quanh mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.

Tường Vy