Đồng Yên mất giá quá nhanh, Nhật Bản có thể can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối

Đồng Yên Nhật liên tục sụt giảm nhanh trong thời gian gần đây đã khiến giới chức nước này lên tiếng có thể can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoài hối.

Dữ liệu chính thức của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho thấy tỷ giá giữa đồng Yên Nhật so với đồng USD vào cuối ngày 15/9 đã tụt xuống còn 143,56 JPY đổi 1 USD - mức thấp nhất trong hơn 24 năm trở lại đây.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi cho biết, tình trạng mất giá quá nhanh của đồng Yên đang gây quan ngại trên thị trường và Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiểm soát tình hình, không loại trừ bất kỳ biện pháp nào.

Tờ Yomiuri (Nhật Bản) cho biết BOJ đã tiến hành kiểm tra hoạt động giao dịch ngoại hối của các tổ chức tài chính lớn. Đây có thể là sự chuẩn bị để nước này can thiệp vào thị trường ngoại hối. BOJ cũng cho biết đang xem xét các khả năng can thiệp để bảo vệ đồng Yên không trượt giá khỏi ngưỡng 145 JPY đổi 1 USD. Lần gần nhất Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối là vào năm 2011.  

Đồng Yên Nhật mất giá nhanh
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết đang xem xét các phương án để để bảo vệ đồng Yên không trượt giá khỏi ngưỡng 145 JPY đổi 1 USD (Ảnh: CNBC)

 

Đồng Yên yếu là một trong những nguyên nhân chính khiến Nhật Bản ghi nhận mức thâm hụt thương mại cao “báo động” 19,7 tỷ USD trong tháng 8. Con số này lớn hơn nhiều so với mức dự báo của giới chuyên gia và kéo dài quãng thời gian thâm hụt thương mại của nước này lên mức 13 tháng - mức dài nhất kể từ năm 2015.

Báo cáo thương mại gần nhất của Chính phủ Nhật Bản cho thấy tỷ giá trung bình JPY/USD ở ngưỡng 135,08 JPY đổi 1 USD, giảm 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng Yên liên tục giảm giá so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay do chính sách tiền tệ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản ngược chiều nhau. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) liên tục siết chặt chính sách tiền tệ thì BOJ lại giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Xu hướng mất giá quá nhanh của đồng Yên đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với hoạt động của các doanh nghiệp và cuộc sống của người dân Nhật Bản, khi làm cho chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng cao, đẩy chi phí sản xuất và giá cả hàng hóa tăng theo. Đặc biệt, đối với một quốc gia nhập khẩu năng lượng ròng như Nhật Bản, chi phí nhập khẩu năng lượng tăng cao đã và đang cản trở đà phục hồi kinh tế của nước này.

Trong một cuộc họp vào ngày 2/9, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi cho biết nước này sẽ phối hợp với các nước G7 để thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối. Bên cạnh phối hợp với chính sách với các nền kinh tế lớn khác, Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ phải can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối, bằng việc mua đồng Yên, bán đồng USD để chặn đứng đà giảm giá quá nhanh của đồng Yên.

Tuy nhiên, tờ Nikkei (Nhật Bản) nhận định BOJ và Chính phủ Nhật Bản sẽ phải đối mặt một số khó khăn nếu muốn can thiệp vào thị trường ngoại hối. Một trong những khó khăn lớn nhất là mức dự trữ ngoại hối của Nhật Bản, cùng với đó là chính sách tiền tệ trái ngược nhau giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Do đó, việc BOJ can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối, tăng cường mua vào đồng Yên và đẩy mạnh xả bán USD, cũng khó có thể thay đổi xu hướng giảm giá hiện nay của đồng JPY với đồng USD.

Theo nhận định của các chuyên gia tiền tệ, Nhật Bản sẽ cần sự ủng hộ từ Hoa Kỳ để can thiệp hiệu quả vào thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, do lạm phát của Hoa Kỳ vẫn đang ở mức cao kỷ lục nên Hoa Kỳ khó có thể ủng hộ chính sách của Nhật Bản, điều này sẽ khiến các hành động can thiệp của Nhật Bản chỉ đem lại kết quả hạn chế.

Tường Vy