Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng cả ba loại lãi suất chính thêm 0,75 điểm phần trăm - mức tăng lãi suất cao nhất kể từ khi khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) được hình thành. Động thái này của ECB diễn ra khi lạm phát tại Eurozone chạm mức cao kỷ lục 9,1% trong tháng 8 vừa qua. Mức lạm phát này cao gần gấp 5 lần mức mục tiêu 2% mà ECB đề ra.
Như vậy, lãi suất tiền gửi qua đêm tại khu vực Eurozone đã tăng từ mức 0% lên 0,75%. Trước đó, lãi suất này ở mức âm cho đến tận cuối tháng 7 khi ECB bắt đầu hành động để kiềm chế lạm phát.
Dù vậy, ECB vẫn đang chậm nếu so với nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trong “cuộc đua” tăng lãi suất để chống lạm phát trên toàn cầu, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). Bởi vậy, giới phân tích cho rằng việc ECB áp dụng bước nhảy lãi suất lớn là một nỗ lực nhằm bắt kịp các ngân hàng trung ương khác.
“Hội đồng quản lý ECB đã quyết định nâng lãi suất và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới vì lạm phát hiện vẫn ở mức quá cao và có khả năng sẽ tiếp tục vượt mức mục tiêu trong một thời gian dài. Theo ước tính ban đầu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát đã lên tới 9,1% trong tháng 8 vừa qua trong bối cảnh giá năng lượng và lương thực tăng vọt. Đồng thời, một số lĩnh vực chịu áp lực tăng giá khi nhu cầu tăng lên do nền kinh tế mở cửa trở lại kết hợp với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng vẫn đang diễn ra. Áp lực về giá tiếp tục gia tăng và lan rộng ra toàn nền kinh tế, lạm phát có thể sẽ tăng cao hơn nữa trong thời gian tới”, ECB cho biết.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng cho biết việc nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm không phải là cố định và những đợt nâng lãi suất sắp tới có thể diễn ra với bước nhảy nhỏ hơn. Tuy nhiên, bà cũng không bác bỏ khả năng có thêm những đợt nâng lớn tương tự trong thời gian tới.
ECB hiện dự báo lạm phát tại khu vực Eurozone trong năm nay sẽ là 8,1%, năm 2023 là 5,5% và năm 2024 là 2,3%.
Ông Seema Shah, Giám đốc Chiến lược Toàn cầu tại hãng tư vấn tài chính Principal Global Investors (Hoa Kỳ), nhận định việc ECB mạnh tay nâng lãi suất cao nhất lịch sử bất chấp rủi ro suy thoái kinh tế tại châu Âu đang ngày càng lớn là minh chứng cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng lạm phát mà ECB đang đối mặt và nguy cơ lạm phát cao sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.
Đồng quan điểm như trên, ông Thomas Verbraken, CEO hãng nghiên cứu tư vấn thị trường MSCI Research, nhận định ECB hiện nhận thấy rủi ro lạm phát cao dai dẳng còn nghiêm trọng hơn cả suy thoải kinh tế.
“Việc ECB thắt chặt chính sách tiền tệ đã đi sau biến động thị trường nhưng với quyết định tăng lãi suất cao kỷ lục thì ECB cho thấy cam kết mạnh mẽ trong việc kiểm soát lạm phát”, ông Thomas Verbraken cho biết.
“Chúng tôi vẫn kỳ vọng rằng lãi suất tiền gửi của ECB sẽ tăng lên mức 1,75% vào đầu năm tới. Sau đó, quy trình tăng lãi suất sẽ tạm dừng, vì đến lúc đó, suy thoái kinh tế sẽ trở nên rõ ràng. Để kiểm soát bền vững được lạm phát, ECB sẽ phải tăng lãi suất lên cao hơn mức này, vì lạm phát đang cao hơn nhiều so với mục tiêu”, chuyên gia kinh tế Jorg Kramer của ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định.
Thị trường hiện dự báo ECB sẽ nâng lãi suất với mức tăng 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 10 và tiếp tục áp dụng mức tăng tương tự trong cuộc họp vào tháng 12 tới đây.