Vào lúc 9h00 sáng nay ngày 9/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 biến động nhẹ quanh mốc 89,32 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2022 được giao dịch quanh mức 83,49 USD/thùng
Chốt phiên giao dịch ngày 8/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng 1,3% và giá dầu thô WTI tăng 2%. Tuy nhiên, tính từ đầu tuần giao dịch này đến nay, giá cả hai loại dầu thô chủ chốt của thế giới đều đã giảm khoảng 4% và có lúc chạm mức thấp nhất kể từ hồi tháng 1 đến nay.
Thị trường đang phản ứng tiêu cực khi lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng lớn hơn, kéo theo đó là triển vọng tiêu cực về nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia cảnh báo các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang chuẩn bị tiến hành một đợt nâng lãi suất mới nhằm kiềm chế lạm phát.
Trong ngày 8/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm phần trăm - mức tăng cao nhất trong lịch sử hoạt động của ECB. ECB cũng có kế hoạch tiếp tục nâng lãi suất sau khi lạm phát tại khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) đạt mức cao kỷ lục 9,1% trong tháng 8. Vào ngày 21/9 tới đây, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cũng sẽ tiến hành họp định kỳ để quyết định chính sách lãi suất trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, giá dầu còn chịu áp lực từ việc Trung Quốc phong toả diện rộng tại nhiều thành phố lớn nhằm kiểm soát dịch Covid-19, khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nước này giảm xuống. Hiện có 33 thành phố tại Trung Quốc đang bị phong toả một phần hoặc toàn bộ, ảnh hưởng đến hơn 65 triệu người dân nước này và tác động tiêu cực đến hàng loạt lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu thô phần nào được kìm hãm nhờ hàng loạt thông tin tích cực xuất hiện trong tuần này, gồm việc Nga cảnh báo sẽ ngưng xuất khẩu dầu đến các quốc gia ủng hộ việc áp trần giá bán dầu đối với Nga và liên minh OPEC+ bất ngờ quyết định giảm sản lượng khai thác trong tháng 10 tới đây.
Mặc dù liên minh OPEC+ chỉ tuyên bố giảm sản lượng khai thác 100.000 thùng/ngày nhưng đây là lần đầu tiên trong năm nay liên minh này quyết định cắt giảm sản lượng. Quyết định mang tính “biểu tượng” này cho thấy OPEC+ sẵn sàng can thiệp thị trường để ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô hiện tại.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Trong những tuần gần đây, Saudi Arabia đã nhấn mạnh diễn biến giá trên thị trường tương lai đang không phản ánh đúng thực trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường giao ngay.
Bên cạnh đó, dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ đã không tăng như mức kỳ vọng. Bộ Năng lượng Hoa Kỳ vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng sản lượng khai thác dầu thô của nước này giảm từ mức 610.000 thùng/ngày xuống mức 540.000 thùng/ngày, qua đó nâng tổng sản lượng khai thác trong năm nay lên 11,79 triệu thùng/ngày.
Một số nhà phân tích nhận định tình trạng bán tháo trên thị trường dầu thô giao sau có thể đã kết thúc khi nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, có thể phục hồi nhẹ trong thời gian tới khi nước này nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.