Vào lúc 10h00 sáng nay ngày 22/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 11/2022 tăng 0,33% lên mức 90,13 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 11/2022 được giao dịch quanh mức 83,21 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 21/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giảm 0,9% xuống còn 89,83 USD/thùng - mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 8/9. Giá dầu thô WTI giảm tới 1,2% xuống mức 82,94 USD/thùng - mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 7/9.
Giá dầu thô được nâng đỡ trở lại nhờ các thông tin cho thấy nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng trở lại, cùng với đó là lo ngại nguồn cung dầu thô từ Nga có thể sẽ giảm xuống khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine leo thang.
Cụ thể, hãng tin Reuters (Anh) cho biết có ít nhất 3 nhà máy lọc hoá dầu quốc doanh và 1 nhà máy lọc hoá dầu tư nhân quy mô lớn tại Trung Quốc đang xem xét kế hoạch nâng công suất trong tháng 10 cao hơn tới 10% so với tháng 9 nhằm chuẩn bị cho một đợt gia tăng mạnh nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại thị trường nội địa nước này và nhu cầu xuất khẩu nhiên liệu tăng cao trong quý 4/2022.
Đại diện tập đoàn Zhejiang Petrochemical Corp, đơn vị vận hành nhà máy lọc hoá dầu tư nhân lớn nhất Trung Quốc, đã xác nhận với Reuters về kế hoạch nâng công suất vận hành khi nền kinh tế Trung Quốc có tín hiệu phục hồi.
Trong khi đó, hãng môi giới giao dịch hàng hoá phái sinh SHZQ Futures (Trung Quốc) cho biết công suất hoạt động trung bình tại các nhà máy lọc hoá dầu quốc doanh của Trung Quốc trong tuần trước đã đạt 73,74%, tăng 2,56% so với mức trung bình của tuần cuối cùng tháng 8.
Dữ liệu cũng cho thấy công suất hoạt động của các nhà máy lọc hoá dầu tư nhân tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã bật tăng trở lại trong tuần trước, sau 5 tuần giảm liên tiếp. Tổng công suất của các nhà máy lọc hoá dầu này chiếm 1/5 tổng công suất lọc hoá dầu của Trung Quốc.
Giá dầu thô cũng được nâng đỡ nhờ việc Nga vừa ban bố lệnh động viên một phần lực lượng quân nhân dự bị tại nước này trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự tại Ukraine diễn biến phức tạp. Đây là lần đầu tiên Nga ban bố lệnh động viên quân nhân kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai.
Điều này có thể khiến phương Tây siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt nhắm vào nền kinh tế Nga, bao gồm ngăn chặn hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga. Kể từ tháng 12 tới đây, lệnh cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm lọc hoá dầu từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực.
Tuy nhiên, giá dầu thô cũng bị kìm hãm bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) vừa quyết định nâng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp và khẳng định mạnh mẽ quyết tâm kiềm chế lạm phát cho dù rủi ro Hoa Kỳ rơi vào suy thoái kinh tế ngày càng lớn hơn. Một số dữ liệu kinh tế mới cũng cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang đối mặt nhiều khó khăn, bao gồm việc doanh số bán nhà ở hiện có trong tháng 8 tiếp tục giảm tháng thứ 7 liên tiếp.
Bên cạnh FED, hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đang gấp rút siết chặt chính sách tiền tệ nhằm đối phó với tình trạng lạm phát cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo làn sóng nâng lãi suất điều hành mạnh nhất trong 50 năm trở lại đây đang khiến nền kinh tế toàn cầu đối mặt với rủi ro suy thoái trong năm sau.