Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Arifin Tasrif cho biết “Nếu có dầu thô giá rẻ từ bất kỳ quốc gia nào, tất nhiên chúng tôi sẽ nhập khẩu ngay, không một chút do dự”.
Dù không loại bỏ khả năng Indonesia có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây khi tiến hành giao dịch dầu thô từ Nga, ông Arifin Tasrif vẫn nhấn mạnh rằng Indonesia không thể không tính đến các lợi ích từ việc mua dầu thô của Nga.
Trong khi đó, giới chức phương Tây cho biết Nga có thể giảm giá tới 30% giá bán dầu thô trong các hợp đồng dài hạn với một số quốc gia châu Á trong bối cảnh phương Tây đang đẩy mạnh kế hoạch áp giá trần đối với dầu thô của Nga nhằm kiểm soát việc giá năng lượng tăng quá cao.
Hãng dữ liệu thị trường năng lượng Kpler (Bỉ) nhận định Nga có thể sẽ tìm các thị trường mới khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc hoá dầu từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào đầu tháng 12 tới đây. Lệnh cấm vận này sẽ khiến khoảng một nửa lượng dầu thô xuất khẩu của Nga bị mất thị trường.
Một số quốc gia tiềm năng đối với dầu thô của Nga hiện gồm Indonesia, Pakistan, Brazil, Nam Phi, Sri Lanka và một số quốc gia Trung Đông. Kpler nhận định các quốc gia này có thể nhập khẩu tổng cộng tới 1 triệu thùng dầu/ngày từ Nga trong mùa Đông tới đây.
Trung tuần tháng 9, khi trả lời câu hỏi của tờ Financial Times (Anh) về việc liệu Indonesia có nhập khẩu dầu của Nga hay không, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết: “Chúng tôi luôn theo dõi tất cả các phương án. Nếu có quốc gia nào đó đưa ra mức giá tốt nhất thì lựa chọn đó là dĩ nhiên.”
Theo ông Joko Widodo, chính phủ Indonesia có nghĩa vụ tìm nhiều nguồn khác nhau để đáp ứng nhu cầu năng lượng của người dân Indonesia.
Financial Times cho biết trong nhiều năm qua đã không nhập khẩu dầu từ Nga với khối lượng lớn. Đồng thời, việc mua dầu của Nga với giá trên mức giới hạn mà nhóm G7 đưa ra có thể khiến nước này dễ bị Hoa Kỳ và EU trừng phạt, bao gồm việc các nước này giảm nhập khẩu hàng hoá từ Indonesia.
Hiện nhóm G7 chưa đưa ra các thông tin chi tiết về mức giá trần có thể được áp dụng đối với dầu thô của Nga. Tuy nhiên, hãng tin Reuters (Anh) dẫn một số tài liệu của Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy mức trần giá có thể ở khoảng 60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 11/2022 hiện được giao dịch quanh mức 90 USD/thùng.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7/9, Đại sứ Nga tại Indonesia Lyudmila Vorobyova cho biết công ty dầu khí quốc doanh Pertamina của Indonesia đang đàm phán mua dầu thô từ Nga trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt buộc Chính phủ Indonesia tăng trợ cấp để kìm giữ giá nhiên liệu trong nước, khiến ngân sách nước này chịu áp lực lớn.
Trong khi đó, Indonesia đang phải thúc đẩy việc kế hoạch củng cố tài khoá theo đúng tiến độ. Tỷ lệ lạm phát tại Indonesia trong tháng 8 vừa qua ở mức 4,69%, cao hơn so với mức phạm vi mục tiêu từ 2% - 4% mà Ngân hàng Trung ương Indonesia đã đề ra.