Giá dầu thô 23/9: Lao dốc xuống mức thấp nhất 8 tháng qua, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu tăng cao

Chốt phiên giao dịch 23/9, giá dầu thô thế giới lao dốc xuống mức thấp nhất 8 tháng trở lại đây do rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu tăng cao.
Giá dầu thô thế giới hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày qua (Nguồn: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 23/9, theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 giảm mạnh 4,8% xuống còn 86,15 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2022 cũng giảm 5,7% xuống mức 78,74 USD/thùng.

Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI lần lượt giảm 6% và 7%, chạm mức thấp nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh khi thị trường bị chi phối bởi tâm lý lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm đáng kể trong thời gian tới. Giới đầu tư lo sợ việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) vừa qua tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp sẽ khiến Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đối mặt với rủi so suy thoái kinh tế lớn hơn.

Động thái của FED cũng kích hoạt cuộc đua nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhằm thích nghi với bối cảnh mức lãi suất tại Hoa Kỳ hiện đang ở mức  cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 15 năm. Qua đó, kết thúc kỷ nguyên tiền rẻ và sẽ khiến tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia suy giảm.

Lãi suất ở Hoa Kỳ và tỷ giá đồng USD vốn giữ vai trò là mốc tham chiếu cho lãi suất trên khắp thế giới, và FED giờ đây đã phát tín hiệu không chỉ sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, mà còn sẽ duy trì sự thắt chặt đó trong vài năm nhằm kiểm soát lạm phát.

Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Edward Moya từ hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ) cho biết “Giá dầu thô toàn cầu sụt giảm mạnh, thị trường rơi vào trạng thái hoảng loạn khi các ngân hàng trung ương đồng loạt phát tín hiệu nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Mối lo ngại trọng tâm của thị trường hiện nay là các ngân hàng trung ương vẫn đang cho thấy sẽ tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ. Điều này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế suy yếu, kéo theo đó là sự suy giảm nhu cầu sử dụng dầu thô.”

Khảo sát mới nhất cho thấy hoạt động kinh doanh tại khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) trong tháng 9 đang suy giảm mạnh trong bối cảnh khu vực này đối mặt với tình trạng giá hàng hoá, đặc biệt là giá năng lượng, tăng lên mức cao kỷ lục. Dữ liệu khảo sát này có thể cho thấy người tiêu dùng tại Eurozone sẽ ngày càng hạn chế chi tiêu hơn, khiến nguy cơ suy thoái tại đây tăng cao.

Việc FED mạnh tay nâng lãi suất cũng đẩy giá đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 20 năm trở lại đây so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Điều này khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên “đắt đỏ” hơn với các nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu thô hiện được kìm hãm phần nào nhờ thông tin cho thấy tiến trình đàm phán thoả thuận hạt nhân giữa Iran và Hoa Kỳ rơi vào bế tắc khi quan điểm giữa hai bên vẫn còn nhiều khác biệt.

Điều này khiến triển vọng phương Tây dỡ bỏ các biện pháp cấm vận nhắm vào Iran, bao gồm ngành dầu khí nước này, khó có thể xảy ra sớm. Qua đó, giúp nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu khó có thể tăng đột biến trong thời gian tới.

Duy Quang