Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) vừa dự báo dự trữ cà phê của nước này tính đến tháng 3/2023 có thể sẽ chỉ đạt 7 triệu bao (60 kg/bao). Đây là mức tồn trữ cà phê thấp kỷ lục tại Brazil – quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Chủ tịch Cecafe ông Nelson Carvalhaes cho biết dự trữ cà phê tại Brazil đang xuống thấp đến mức ngay cả khi Brazil có vụ thu hoạch bội thu trong năm tới cũng khó có thể có đủ cà phê để đáp ứng nhu cầu tăng cao như hiện nay. Tại thời điểm hiện nay, triển vọng thời tiết tại Brazil và các nước xuất khẩu cà phê chủ chốt khác ở khu vực Mỹ Latinh không mấy khả quan.
Hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina kéo dài sang năm thứ ba liên tiếp đang gây ra tình trạng khô hạn tại nhiều vùng canh tác nông nghiệp quan trọng của Brazil. Ông Nelson Carvalhaes nhấn mạnh hiện người nông dân trồng cà phê tại Brazil chỉ “mong trời đổ mưa”.
Thời tiết khô hạn và và sương giá đã hạn chế cà phê ra hoa ở Brazil trong niên vụ trước. Đợt sương giá nghiêm trọng vào tháng 7/2021 đã khiến nhiều nông dân Brazil chặt bỏ cây cà phê khi các chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là phân bón. Điều đó không chỉ làm giảm sản lượng của vụ mùa năm ngoái mà còn hạn chế sản lượng tiềm năng trong năm 2022. Năm 2022 vốn được xem là năm có năng suất cao theo chu kỳ sinh trưởng của cây cà phê.
Chuyên gia tư vấn ngành hàng cà phê Regis Ricco dự báo sản lượng cà phê Arabica của Brazil chỉ đạt 32 triệu bao trong năm nay, thấp hơn rất nhiều so với mức 53 triệu bao thông thường của chu kỳ năng suất cao.
Trong khi đó, Colombia – quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ ba thế giới lại đang hứng chịu lượng mưa nhiều bất thường. Thời tiết bất lợi cũng đang ảnh hưởng đến hoạt động canh tác cà phê tại nhiều quốc gia sản xuất cà phê lớn trên thế giới như Guatemala, Honduras và Nicaragua.
Sàn giao dịch hàng hoá phái sinh ICE Futures (Hoa Kỳ) cảnh báo việc sản lượng và dự trữ cà phê của Brazil suy giảm sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm cà phê trên toàn cầu, và có thể khiến giá cà phê tiếp tục tăng lên trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.
ICE cũng cho biết dự trữ cà phê Arabica tại các kho do sàn giao dịch này quản lý hiện đang ở mức thấp nhất trong 23 năm trở lại đây. Căng thẳng nguồn cung toàn cầu đã khiến giá cà phê Arabica trên Sàn giao dịch thương mại New York (NYMEX) hiện tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà phân tích kinh tế Guilherme Morya thuộc ngân hàng Rabobank (Hà Lan) nhận định sự không chắc chắn về nguồn cung cà phê từ Brazil là một trong những lý do chủ chốt khiến giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục tăng.
Ông Guilherme Morya cho biết năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp nhu cầu vượt cung cà phê trên thị trường toàn cầu. Một số thương hiệu cà phê lớn như Starbucks và Jacobs đã lên kế hoạch tăng giá sản phẩm để đối phó với tình trạng giá cà phê tăng cao, khiến lợi nhuận sụt giảm.
Trong hai năm vừa qua, giá cà phê Arabia trên thị trường tương lai đã tăng khoảng 80% khi sản lượng của cả Brazil và Colombia, hai quốc gia xuất khẩu cà phê Arabia lớn nhất thế giới, đều suy giảm mạnh vì diễn biến thời tiết cực đoan.