Vào lúc 9h00 sáng nay ngày 5/8, giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 tăng mạnh 1,69% lên 94,55 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2022 cũng tăng 1,68% lên 88,32 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent tăng 66 cents lên 93,02 USD/thùng, giá dầu thô WTI cũng tăng 26 cents lên 86,87 USD/thùng. Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent đã giảm 7,9% và giá dầu thô WTI giảm 6,7%.
Thị trường hiện tập trung theo dõi chính sác khai thác dầu thô tháng 9 và thời gian tới đây của liên minh OPEC+ khi tổ chức này nhóm họp vào cuối ngày 5/9 (theo giờ địa phương). Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Các khảo sát hiện tại cho thấy mặc dù thị trường vẫn đang đối mặt tình trạng căng thẳng nguồn cung, liên minh OPEC+ có thể sẽ tiếp tục giữ nguyên mức sản lượng khai thác như hiện tại hoặc thậm chí cắt giảm công suất để duy trì giá dầu thô.
Tập đoàn tài chính ANZ (Australia) cho biết “Chúng tôi nhận định liên minh OPEC+ sẽ tiếp tục giữ nguyên mức sản lượng khai thác như hiện nay nhưng tổ chức này có thể sẽ có những tín hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng giá dầu thô suy giảm như hiện nay”.
Cuối tuần trước, tờ Wall Street Journal (Hoa Kỳ) dẫn nguồn tin cho biết Nga - quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới không ủng hộ phương án cắt giảm sản lượng khai thác tại thời điểm hiện tại và nhiều khả năng OPEC+ sẽ không thay đổi chính sách khai thác trong phiên họp ngày 5/9.
Kết thúc tháng 8 vừa qua, giá dầu thô thế giới đã xác lập tháng giảm giá thứ ba liên tiếp sau khi đạt mức cao kỷ lục hồi tháng 3. Giá dầu thô chủ yếu chịu áp lực giảm từ lo ngại tình trạng hàng loạt quốc gia nâng lãi suất điều hành nhằm kiềm chế lạm phát và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài khi Trung Quốc tiếp tục phong toả diện rộng nhằm kiểm soát dịch Covid-19 sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm xuống. Trung Quốc hiện cũng là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, giá dầu thô còn chịu áp lực từ rủi ro Iran có thể đạt được thoả thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới trong thời gian tới khi các nỗ lực đàm phán thoả thuận này vẫn được tiến hành. Việc đạt được thoả thuận hạt nhân có thể cho phép phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hiện nay nhắm vào Iran, mở đường cho việc Iran gia tăng đáng kể lượng dầu thô xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Trong tuần trước, OPEC+ đã có một số tín hiệu cho thấy sẽ cắt giảm sản lượng khai thác trong trường hợp nguồn cung dầu thô từ Iran ra thị trường tăng lên.