Hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) cho biết Bộ Thương mại và Bộ Lương thực của Ấn Độ đang thảo luận khả năng hạn chế xuất khẩu gạo 100% tấm, vốn chiếm khoảng dưới 20% tổng khối lượng các loại gạo xuất khẩu của nước này. Nguyên nhân chủ yếu là do dự báo tình trạng khô hạn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động canh tác lúa gạo năm nay của Ấn Độ.
Gạo tấm 100% là loại gạo bị vỡ trong quá trình chế biến, chủ yếu được dùng làm thức ăn gia súc hoặc làm thực phẩm tại một số quốc gia châu Phi có thu nhập thấp. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu gạo tấm 100% lớn nhất của Ấn Độ. Trong năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo, bao gồm 3,6 triệu tấn gạo tấm.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng lúa gạo của Ấn Độ trong niên vụ 2022/2023 sẽ chỉ đạt 128,5 triệu tấn do tình trạng khô hạn, đặc biệt là tại các bang miền Đông – khu vực canh tác lúa gạo chính của nước này. Đây sẽ là niên vụ đầu tiên sản lượng lúa gạo của Ấn Độ suy giảm đáng kể kể từ niên vụ 2015/2016.
Vụ lúa Hè tại một số vùng của Ấn Độ như Bihar, Uttar Pradesh, Tây Bengal và Jharkhand đã bị phá huỷ hoàn toàn do hạn hán. Chính phủ Ấn Độ hiện ước tính, tổng diện tích gieo trồng vụ Hè năm nay chỉ đạt 36 triệu ha, thấp hơn 8% so với diện tích canh tác cùng kỳ năm ngoái. Khô hạn cũng khiến nhiều nông dân Ấn Độ chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác vốn sử dụng ít nước hơn.
Theo các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, mức chênh lệch giá giữa gạo 100% tấm và gạo 5% tấm hiện chỉ còn 15 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức 70 USD/tấn hồi năm ngoái. Trong tuần trước, gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 340 USD/tấn, và gạo 100% tấm đạt 325 USD/tấn.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết lượng gạo dự trữ tại các kho tư nhân và kho do chính phủ nước này quản lý vẫn ở mức dồi dào nên Ấn Độ sẽ không tính đến phương án cấm xuất khẩu gạo hoàn toàn. Tính đến ngày 1/8, Tổng Công ty Lương thực Ấn Độ hiện đang nắm giữ 41 triệu tấn gạo và lúa, cao hơn nhiều lần so với mức tối thiểu 13,5 triệu tấn mà chính phủ nước này đặt ra.
Với vị thế chiếm 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, một số nhà phân tích lo ngại cho dù Ấn Độ không có ý định cấm xuất khẩu gạo hoàn toàn thì bất kỳ thay đổi nào trong chính sách xuất khẩu của nước này cũng gây ra những xáo trộn trên thị trường. Việc hạn chế xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ sẽ khiến rủi ro khủng hoảng lương thực toàn cầu gia tăng, đặc biệt tác động đến các nước có thu nhập thấp vốn đang dựa vào các loại gạo giá rẻ làm lương thực chính.
Trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu 2007-2008, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo, khiến các nước xuất khẩu gạo lớn khác cũng có động thái hạn chế xuất khẩu để bảo vệ nguồn cung cho thị trường nội địa. Diễn biến đó dẫn đến tình trạng mua bán hoảng loạn, đẩy giá gạo lên hơn 1.000 đô la/tấn, cao hơn gấp đôi so với mức hiện tại.
Trong thời gian gần đây, Ấn Độ đã kiểm soát đà tăng mạnh của giá các loại lương thực trên thị trường nội địa bằng cách cấm xuất khẩu lúa mì, bột mì, và kiểm soát xuất khẩu đường.
Tuy nhiên, ông Peter Timmer, giáo sư danh dự tại Đại học Harvard, nhận định lệnh hạn chế xuất khẩu gạo tấm lần này của Ấn Độ sẽ khó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2007-2008. Ông Peter Timmer đã có kinh nghiệm làm việc với các chính phủ châu Á về các phản ứng chính sách của họ trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu 2007-2008.
Đồng quan điểm như trên, giáo sư Satish Deodhar tại Viện Quản lý Ahmedabad (Ấn Độ) cho biết bất kỳ hạn chế xuất khẩu nào đối với gạo tấm sẽ ảnh hưởng đến một số nước nhưng sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện trên thị trường toàn cầu. Ông Satish Deodhar tin rằng Ấn Độ sẽ muốn duy trì sự cân bằng giữa nhu cầu trong nước và thị trường xuất khẩu.
Trong khi đó, ông .V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, cho biết “Thay vì cấm, chính phủ nên áp thuế đối với gạo tấm xuất khẩu. Điều này sẽ giúp Ấn Độ duy trì sự hiện diện trên thị trường gạo và cho phép các nước châu Phi nhập khẩu loại gạo giá rẻ này.”