Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 29/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 tăng 0,8% lên 101,45 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 tăng tới 1,1% lên 94,08 USD/thùng. Thị trường dầu thô hiện đang bị chi phối giữa các thông tin và kỳ vọng trái chiều.
Về mặt tích cực, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng khai thác nhằm cân bằng thị trường, qua đó ngăn chặn việc giá dầu thô giảm xuống quá sâu. Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Đầu tuần trước, Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã cảnh báo nước này và OPEC có thể siết lại nguồn cung. Saudi Arabia nhấn mạnh việc giá dầu thô của các hợp đồng giao tương lai giảm xuống khiến thị trường quên rằng tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường giao ngay vẫn ở mức nghiêm trọng.
Hãng tin Reuters (Anh) cho biết Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cũng ủng hộ quan điểm của Saudi Arabia. Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu thô của Oman cho biết nước này sẽ ủng hộ các nỗ lực của liên minh OPEC+ trong việc ổn định thị trường.
Ngược lại, thị trường cũng lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ cũng như các thị trường tài chính, bao gồm thị trường hàng hoá vốn có tính rủi ro cao.
Phát biểu tại hội nghị ngân hàng trung ương toàn cầu (hội nghị Jackson Hole) vào ngày 26/8, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ cần áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ cho đến khi lạm phát được kiểm soát và điều này có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ chậm lại “trong một khoảng thời gian”.
"Đây là cái giá của việc giảm lạm phát. Tuy nhiên, không thể khôi phục sự ổn định về giá cả sẽ gây ra nỗi đau còn lớn hơn thế nhiều", ông Jerome Powell nhấn mạnh.
Phát biểu của ông Jerome Powell đã tóm lược thách thức quan trọng không chỉ các nhà hoạch định chính sách của FED mà hầu hết các lãnh đạo ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu phải đối mặt, đó là cố gắng kiềm chế đợt lạm phát tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ qua. Phát biểu này cũng báo hiệu rằng ngay cả khi suy thoái xảy ra cũng không dễ lay chuyển quan điểm của FED, nếu mức lạm phát không giảm xuống theo đúng mục tiêu của cơ quan này.
Phát biểu của FED đã giúp đồng USD tăng giá, khiến các mặt hàng định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn với các nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chỉ số US Dollar Index, đo lường mức độ biến động của đồng USD với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, đã tăng 0,3% trong phiên giao dịch sáng nay.
Bộ phận nghiên cứu của tập đoàn tài chính ANZ (Australia) cho biết hiện giá dầu thô còn được nâng đỡ bởi dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng năng lượng đang tăng lên, một phần do giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt đã buộc các cơ sở công nghiệp và sản xuất năng lượng tại đây chuyển từ sử dụng khí sang dùng dầu nhiên liệu.