Giá dầu thô 7/6: Quay đầu giảm trở lại, lo ngại tăng trưởng kinh tế kém sẽ khiến nhu cầu yếu

Trong phiên giao dịch sáng nay, giá dầu thô thế giới quay đầu giảm trở lại khi thị trường lo ngại tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu kém tích cực sẽ khiến nhu cầu sử dụng dầu suy yếu.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 76,33 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 71,82 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI đã giảm 0,6%.

Sau khi bật tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần nhờ thông tin Saudi Arabia giảm mạnh sản lượng khai thác, giá dầu thô đã quay đầu giảm trở lại khi thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu khó có thể tăng tốt trong thời gian tới khi triển vọng kinh tế toàn cầu còn đối mặt nhiều thách thức.

Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cho biết sẽ giảm thêm 10% sản lượng khai thác hiện nay, đưa sản lượng khai thác xuống còn 9 triệu thùng trong tháng 7/2023. Đây là mức sản lượng thấp nhất của Saudi Arabia trong nhiều năm trở lại đây.

Đồng thời, Saudi Arabia bất ngờ nâng giá bán dầu thô trong tháng 7 đối với khách hàng khu vực châu Á. Châu Á hiện là khu vực thị trường lớn nhất đối với Saudi Arabia và trong những tháng vừa qua, nước này đã vài lần giảm giá bán dầu đối với khách hàng châu Á nhằm đảm bảo thị phần trước sự cạnh tranh của dầu giá rẻ từ Nga.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích từ tập đoàn tài chính Citi Group (Hoa Kỳ) nhận định việc Saudi Arabia giảm mạnh sản lượng khai thác sẽ không có “tác động bền vững” lên giá dầu thô và giá dầu thô khó có thể duy trì ở vùng giá 80 – 90 USD/thùng do nhu cầu toàn cầu yếu, gia tăng nguồn cung từ các quốc gia ngoài khối OPEC, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, cũng như rủi ro suy thoái đối với nền kinh tế Hoa Kỳ và châu Âu.

Dữ liệu mới nhất từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM, Hoa Kỳ) cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực phi sản xuất của Hoa Kỳ trong tháng 5 vừa qua đã giảm xuống chỉ còn 50,3 điểm, so với mức 51,9 điểm hồi tháng 4. Điều này cho thấy lĩnh vực dịch vụ tại Hoa Kỳ đang suy yếu đáng kể, mảng dịch vụ hiện chiếm đến 2/3 tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này.

Đồng thời, số đơn hàng sản xuất mới của các nhà máy tại Hoa Kỳ cũng ở mức yếu. Tương tự, số đơn hàng sản xuất mới tại Đức trong tháng 4 đã bất ngờ giảm mạnh 9,9% so với cùng năm ngoái, trái ngược với dự báo của giới quan sát.

Hiện thị trường đang chờ đợi các dữ liệu kinh tế mới của Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, nhằm đánh giá thêm về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thời gian tới. Dự kiến dữ liệu về thương mại của Trung Quốc trong tháng 5 sẽ được công bố trong ngày hôm nay (theo giờ địa phương).

Bên cạnh đó, thị trường cũng đang chờ dữ liệu về lượng tồn trữ nhiên liệu tại Hoa Kỳ trong tuần trước, dự kiến sẽ được Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) công bố vào cuối ngày hôm nay. Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy giới phân tích dự báo lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đã tăng thêm 1 triệu thùng trong tuần trước.

Tường Vy