Giá dầu thô 8/6: Tăng trở lại, thị trường bị chi phối bởi các thông tin trái chiều về tình hình cung - cầu dầu toàn cầu

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 8/6, giá dầu thô thế giới đã tăng trở lại, thị trường hiện bị chi phối bởi các luồng thông tin trái chiều, giữa một bên là kỳ vọng nguồn cung dầu bị thắt chặt với một bên là lo ngại nhu cầu sử dụng dầu sẽ suy yếu.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 76,84 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 72,47 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 7/6, giá dầu thô Brent tăng 0,9% và giá dầu thô WTI tăng 1,1%.

Giá dầu thô phục hồi trở lại chủ yếu nhờ dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm 450.000 thùng và lượng dầu thô được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 5 tăng tới 17% so với tháng 4 trước đó. Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi đồng USD giảm xuống khi giới đầu tư ngày càng tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ không tăng lãi suất trong phiên họp định kỳ tới đây.

Kể từ đầu tháng 6 đến nay, giá dầu thô liên tục biến động trong phạm vi hẹp khi thị trường bị chi phối từ các thông tin trái chiều, với một bên là triển vọng nguồn cung dầu thô toàn cầu có thể bị thắt chặt hơn khi Saudi Arabia giảm sản lượng khai thác, và một bên là nhu cầu sử dụng dầu thô có thể suy yếu khi tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia thấp hơn kỳ vọng.

Cụ thể, cuối tuần trước, Saudi Arabia tuyên bố sẽ giảm thêm 10% sản lượng khai thác trong tháng 7 và cho biết việc cắt giảm sản lượng khai thác này có thể được kéo dài nếu cần thiết. Động thái này cho thấy Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang rất quyết liệt ngăn giá dầu thô giảm xuống thấp hơn nữa. Bên cạnh đó, các quốc gia khai thác dầu thô khác thuộc liên minh OPEC+ cũng tuyên bố sẽ duy trì mức cắt giảm sản lượng khai thác hiện nay cho đến năm 2024.

Một số nhà phân tích nhận định hành động của Saudi Arabia và các nước thành viên OPEC+ đang giúp thiết lập mức sàn của dầu thô ở vùng giá 70 USD/thùng. Một số tổ chức uy tín hiện đã nâng dự báo giá dầu thời gian tới với nhận định dầu thô Brent có thể đạt từ 85 - 100 USD/thùng vào cuối năm nay.

Trong khi đó, một bộ phận thị trường đang lo ngại triển vọng tăng trưởng tại nhiều nền kinh tế lớn kém hơn kỳ vọng sẽ tác động xấu đến nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới. Dữ liệu mới được công bố cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua đã giảm tới 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái; mức giảm này cao hơn nhiều so với dự báo giảm 0,4% được giới phân tích đưa ra trước đó.

Mặc dù kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 4,5% trong quý đầu năm nay nhưng những tín hiệu gần đây cho thấy đà phục hồi này đang dần suy yếu. Nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế nước này vẫn đang bị đè nặng bới những áp lực liên quan đến lĩnh vực bất động sản, sức mua trong nước suy giảm. Ngoài ra, hơn 20% người trẻ trong độ tuổi 16-24 ở Trung Quốc thất nghiệp trong tháng 4 năm nay.

Tại Hoa Kỳ, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực phi sản xuất của Hoa Kỳ trong tháng 5 vừa qua đã giảm xuống chỉ còn 50,3 điểm, so với mức 51,9 điểm hồi tháng 4. Điều này cho thấy lĩnh vực dịch vụ tại Hoa Kỳ đang suy yếu đáng kể, mảng dịch vụ hiện chiếm đến 2/3 tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này. Đồng thời, số đơn hàng sản xuất mới của các nhà máy tại Hoa Kỳ cũng ở mức yếu.

Ngoài ra, dữ liệu cũng cho thấy lượng tồn trữ xăng dầu tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng vọt thêm 5,1 triệu thùng, cao hơn nhiều mức dự báo tăng 1,3 triệu thùng của giới phân tích. Điều này có thể cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ đang suy yếu mặc dù nước này đang bước vào mùa cao điểm tiêu thụ.

Tường Vy