Giá dầu thô giảm 13% tuần này, xác lập tuần giảm mạnh nhất 2 năm trở lại đây

Tính chung cả tuần này, giá dầu thô thế giới đã giảm gần 13% - xác lập tuần giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 năm trở lại đây sau khi Hoa Kỳ công bố kế hoạch xả bán lượng dầu thô kỷ lục ra thị trường.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 1/4, giá dầu thô Brent giao tháng 5/2022 đã giảm 0,3% xuống mức 104,39 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2022 giảm tới 1% xuống còn 99,27 USD/thùng. Tính chung cả tuần này giá dầu thô thế giới đã giảm gần 13%, xác lập tuần giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Giá dầu mỏ chịu áp lực giảm mạnh sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công bố kế hoạch xả bán ra thị trường 180 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng tới (1 triệu thùng/ngày) từ kho dự trữ chiến lược quốc gia (SPR). Đây được xem là động thái chưa từng có tiền lệ trên thị trường toàn cầu khi một quốc gia tung ra lượng lớn dầu thô dự trữ trong khoảng thời gian lâu như vậy.

Trước đó, thị trường đã chịu tác động tiêu cực từ việc Trung Quốc chính thức phong toả từng phần Thượng Hải - thành phố đông dân nhất nước này nhằm kiểm soát làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới do biến chủng Omicron gây ra. Giới đầu tư lo ngại việc yêu cầu toàn bộ các nhà máy và hầu hết các hoạt động kinh tế tại Thượng Hải phải tạm ngưng hoạt động sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc.

Nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Thượng Hải chiếm khoảng 4% tổng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tái phong toả nhiều thành phố lớn có thể khiến nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, làm giảm nhu cầu sử dụng dầu mỏ trong thời gian tới.

Mặt khác, trong phiên họp ngày 31/3, liên minh OPEC+ đã đồng ý nâng sản lượng khai thác thêm 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5, con số này cao hơn so với mức tăng 400.000 thùng/ngày/tháng được duy trì suốt từ hồi tháng 8/2022. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.

Thị trường hiện đang tập trung đánh giá tác động việc Hoa Kỳ xả bán lượng dầu thô kỷ lục ra thị trường. Thông tin mới nhất từ Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hidechika Koizumi cho biết các quốc gia thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vẫn chưa đạt đồng thuận trong việc cam kết khối lượng dầu thô sẽ xả bán ra thị trường từ nguồn dự trữ của mỗi nước. Ông Hidechika Koizumi cũng cho biết các thông tin chi tiết có thể sẽ được công bố trong tuần tới.

Nhiều nhà phân tích nhận định sự can thiệp thị trường lần này của Hoa Kỳ sẽ chỉ giúp hạ nhiệt giá dầu trong ngắn hạn. Ông  Josh Young, Giám đốc đầu tư của hãng đầu tư lĩnh vực năng lượng Bison Interests (Hoa Kỳ), cho biết “Trong lịch sử, các đợt xả bán từ SPR chỉ khiến giá dầu thô tạm thời giảm và sau đó lại tăng cao hơn do thị trường không đủ nguồn cung. Có khả năng giá dầu sẽ tăng sau đợt giảm ban đầu và SPR có thể phải tái bổ sung với giá dầu thậm chí còn cao hơn lúc xả bán”.

Nguồn cung dầu mỏ trên thế giới đang đối mặt với những thách thức căn bản như sự thiếu hụt sản lượng khai thác dự phòng để giải quyết các cú sốc cầu đột xuất và thiếu hụt nguồn cung từ Nga khi các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế này.

IEA ước tính các lệnh trừng phạt hiện này khiến các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp phương Tây, không thể thu mua được khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày - tương đương hơn 30% tổng lượng dầu xuất khẩu của Nga.

Tường Vy