Giá dầu thô giảm tuần thứ hai liên tiếp, triển vọng nhu cầu sử dụng dầu kém tích cực

Đà tăng của giá dầu thô sau khi Saudi Arabia thông báo giảm sản lượng khai thác đã bị xoá sạch trong 2 phiên giao dịch cuối tuần này khi thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thời gian tới ở mức yếu. Đà phục hồi kinh tế tại Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu và tồn trữ nhiên liệu tại Hoa Kỳ tăng vọt đang khiến giới đầu tư trở nên bất an hơn.
Diễn biến giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent giảm 1,5% xuống mức 74,79 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm 1,6% xuống còn 70,17 USD/thùng. Qua đó, xác lập tuần giảm giá thứ hai liên tiếp trong bối cảnh tâm lý lo ngại nhu cầu triển vọng nhu cầu sử dụng yếu lấn át kỳ vọng nguồn cung dầu thô sẽ bị thắt chặt hơn trong thời gian tới.

Đầu tuần này, giá dầu thô đã bật tăng lên đến gần 77 USD/thùng sau khi Saudi Arabia tuyên bố cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 tới đây. Mức cắt giảm này tương đương 10% sản lượng khai thác hiện nay của nước này và khoảng 1% tổng nguồn cung dầu toàn cầu. Đồng thời, Saudi Arabia cho biết có thể gia hạn việc giảm sản lượng này nếu cần thiết.

Ngoài ra, các quốc gia thành viên khác trong liên minh OPEC+ cũng tuyên bố kéo dài việc cắt giảm sản lượng khai thác hiện nay đến cuối năm 2024, thay vì cuối năm nay như kế hoạch ban đầu. Tổng mức cắt giảm sản lượng khai thác hiện nay của liên minh OPEC+ tương đương 3,6% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Một số chuyên gia nhận định những động thái của Saudi Arabia nói riêng, liên minh OPEC+ nói chung đang thiết lập giá sàn của dầu thô ở vùng giá 70 USD/thùng. Các tổ chức tài chính uy tín cũng đã nâng dự báo giá dầu thô trong nửa cuối năm nay, nhận định giá dầu Brent có thể đạt từ 85 - 100 USD/thùng.

Tuy nhiên, trong 2 phiên giao dịch cuối tuần này, tâm lý thị trường trở nên bi quan khi các dữ liệu mới cho thấy lượng nhiên liệu tồn trữ tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng mạnh và tình hình kinh tế Trung Quốc yếu hơn kỳ vọng, phản ánh triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể suy giảm.

Trong đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua đã giảm 4,6%, xác lập tháng giảm thứ 8 liên tiếp. Đây là mức độ giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2016, cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức khi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính của nước này suy yếu.

Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 cũng giảm tới 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 0,4% của giới phân tích.

Tại Hoa Kỳ, lượng tồn trữ xăng dầu trong tuần trước đã bất ngờ tăng vọt thêm 5,1 triệu thùng, so với mức dự báo tăng 1,3 triệu thùng của giới phân tích. Điều này có thể cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nước này yếu hơn kỳ vọng mặc dù thị trường đang bước vào mùa cao điểm tiêu thụ.

Hiện thị trường đang tập trung theo dõi các động thái liên quan đến phiên họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) diễn ra trong tuần sau. Một số chuyên gia dự báo giá dầu thô sẽ tăng lên nếu như FED quyết định giữa nguyên mức lãi suất như hiện tại.

Theo khảo sát của hãng tin Reuters, 90% các nhà kinh tế nhận định FED sẽ không nâng lãi suất trong phiên họp tới đây, đánh dấu lần đầu tiên cơ quan này ngừng nâng lãi suất sau 10 lần nâng liên tiếp.

Tường Vy