Giá dầu thô giằng co giữa nguy cơ suy giảm nhu cầu và khả năng EU cấm nhập khẩu dầu từ Nga

Giá dầu thô nhích tăng nhẹ, quanh mức 105,5 USD/thùng, trong phiên giao dịch sáng nay ngày 4/5. Thị trường hiện vẫn lo ngại việc đợt phong toả phòng chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc hiện nay sẽ ảnh hưởng xấu đến nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu. Tuy nhiên, giá dầu đang được nâng đỡ nhờ khả năng EU sẽ cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 30 ngày trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 8h30 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6/2022 tăng nhẹ 0,53% lên 105,55 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 6/2022 tăng 0,62% lên 103,08 USD/thùng.

Giới phân tích nhận định thị trường vẫn đang lo ngại việc Trung Quốc kéo dài phong toả tại nhiều khu vực lớn của nước này nhằm kiểm soát làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện nay sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu toàn cầu.

Một số khu vực tại Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc, đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế sau gần 2 tháng phong toả. Tuy nhiên, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc lại siết chặt  các quy định về cách ly xã hội và đối mặt nguy cơ bùng phát Covid-19 trở lại. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Các biện pháp phong toả tại Trung Quốc cũng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị đình trệ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn đang được nâng đỡ bởi lo ngại thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung dầu thô từ Nga và nhu cầu tìm kiếm nguồn cung dầu thô thay thế Nga của châu Âu có thể tăng vọt trong thời gian tới. Trong ngày 2/5, Bộ trưởng Kinh tế Đức Rober Habeck cho biết nước này đã sẵn sàng cho việc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga ngay lập tức cũng như tiến tới không phụ thuộc vào nguồn cung dầu từ Nga.

Tuyên bố của Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), được đưa ra trong bối cảnh Uỷ ban châu Âu (EC) đang cân nhắc đưa dầu mỏ của Nga vào vòng trừng phạt thứ 6. Hồi đầu tháng 4, EU đã quyết định cấm nhập khẩu than đá của Nga từ tháng 8 tới đây. Mỗi ngày, EU phải nhập lượng dầu mỏ và khí đốt trị giá tới 850 triệu USD từ Nga. Đức là một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu năng lượng của Nga và nước này đang chịu áp lực lớn từ Ukraine và nhiều quốc gia châu Âu khác về việc giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga.  

Giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ BP (Anh) ông Bernard Looney cho biết thị trường sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt tới 2 triệu thùng dầu/ngày từ Nga kể từ tháng 5 trở đi. Con số này cao gấp đôi so với các ước tính trước đó.

Giới quan sát cảnh báo việc EU cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế các quốc gia thành viên. Việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga sẽ làm tăng giá cả tại các nước châu Âu khi giá tiêu dùng vốn đã tăng mạnh do ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga – Ukraine.

Tường Vy